Loài cây "đa nhân cách", lúc nham hiểm khi lại là chiến binh

Cúc nhung (Galinsoga parviflora) là loài cây "đa nhân cách", vừa nham hiểm trong vai kẻ xâm lấn, vừa mạnh mẽ như chiến binh mang lại giá trị cho con người.

Bạn đã bao giờ cúi xuống và quan sát những bông hoa dại nhỏ bé quanh mình chưa? Hỏi như vậy vì ở khắp mọi nơi, từ đồng ruộng, rừng rậm, công viên, ven đường đến khu dân cư, bạn đều có thể bắt gặp loài thực vật nhỏ bé gọi là cúc nhung hay vi cúc, cỏ thỏ, hoa hướng dương mini (tên khoa học Galinsoga parviflora), loài cỏ mang vẻ ngoài nhỏ bé, dịu dàng.

Song, đừng để kích thước khiêm tốn của nó đánh lừa bạn, bởi đây là một "chiến binh hai mặt" thực thụ trong thế giới thực vật. Lúc là kẻ xâm lấn nham hiểm, đẩy các loài thực vật khác vào tình thế bị bóp nghẹt, lúc lại hóa thân thành người bạn đồng hành, mang lại giá trị dinh dưỡng và dược liệu đáng kinh ngạc.

Cúc nhung (Galinsoga parviflora) hay còn gọi là vi cúc, cỏ thỏ, hoa hướng dương mini.

Cúc nhung (Galinsoga parviflora) hay còn gọi là vi cúc, cỏ thỏ, hoa hướng dương mini.

Cúc nhung (Galinsoga parviflora) là một loài cây thân thảo sống một năm thuộc họ Cúc. Loài này có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cúc nhung cao từ 10-80cm, toàn cây trông mảnh mai, yếu mềm, lá và thân có lông. Lá mọc đối, hình trứng hoặc bầu dục dài. Hoa của cúc nhung nhỏ nhắn và tinh tế, phải cúi xuống thật gần mới có thể ngắm kỹ. Hoa có tâm vàng (hoa ống) được bao quanh bởi 4-5 cánh hoa lưỡi màu trắng. Đầu mỗi cánh lưỡi có ba thùy nhỏ, trông như những chiếc nĩa nhựa trắng cắm trên lớp pudding xoài, rất đáng yêu.

Vào thế kỷ 18, những người châu Âu đến thăm Nam Mỹ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp thanh nhã của cúc nhung và mang chúng trở về châu Âu. Vào cuối thế kỷ 18, cúc nhung được gửi đến Vườn Thực vật Hoàng gia Kew (Anh) như một "mẫu vật cúc dại". Từ đó, nhờ gió phát tán hạt, cúc nhung nhanh chóng lan rộng khắp nước Anh và nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Do vậy, cúc nhung còn được gọi là "cỏ Kew".

Cúc nhung là một sinh thể đối lập đầy thú vị, vừa là "kẻ xâm lược" không khoan nhượng, vừa là "chiến binh đa năng" phục vụ con người.

Cúc nhung là một sinh thể đối lập đầy thú vị, vừa là "kẻ xâm lược" không khoan nhượng, vừa là "chiến binh đa năng" phục vụ con người.

Là một cây thân thảo sống một năm, cúc nhung có khả năng thích nghi cực tốt. Hạt của chúng nhỏ và dày đặc, dễ dàng phát tán theo gió, mọc rễ và sinh trưởng nhanh chóng. Chúng dễ hình thành quần thể cỏ dại lớn, cạnh tranh dinh dưỡng với các loài thực vật khác hoặc thậm chí tiết ra hóa chất để ức chế sự nảy mầm và phát triển của các hạt giống khác. Những đặc điểm này đã khiến cúc nhung trở thành một loài thực vật xâm lấn. Trong cuốn "Chuyện về cỏ dại" của nhà văn Anh Richard Mabey, cúc nhung được coi là một loại cỏ dại nguy hiểm và chỉ biết mưu cầu lợi ích cho riêng mình.

Mặc dù bị gắn mác "cỏ dại" và "loài xâm lấn", cúc nhung không phải là hoàn toàn vô dụng. Thân và lá của cúc nhung có hương vị đặc biệt, thường được sử dụng làm gia vị tại quê hương Nam Mỹ. Ở Colombia, cúc nhung được gọi là "guasca", dùng trong món salad hoặc một loại súp gọi là Ajiaco. Tại một số vùng ở Tây Nam Trung Quốc, người dân thu hoạch thân và lá non của cúc nhung để ăn. Những năm gần đây, loài cây này còn được chế biến trong các món lẩu, trộn gỏi hoặc nấu súp.

Toàn cây cúc nhung cũng có thể dùng làm thuốc với tác dụng cầm máu và chống viêm. Nó được cho là có hiệu quả trong việc điều trị viêm amidan, viêm họng, viêm gan vàng cấp tính và cầm máu cho các vết thương ngoài da.

Tóm lại, cúc nhung là một sinh thể đối lập đầy thú vị, vừa là "kẻ xâm lược" không khoan nhượng, vừa là "chiến binh đa năng" phục vụ con người. Sự hai mặt này khiến loài cây nhỏ bé trở thành một trong những thực vật độc đáo nhất, vừa bí ẩn, vừa đầy sức hút, như thể chúng đang kể một câu chuyện mà chỉ những người tinh ý và hiểu biết mới nhận ra.

Theo Đời sống
back to top