Lo sông Tô Lịch sẽ cạn trơ đáy khi thu gom nước thải

(khoahocdoisong.vn) - Gần 12 km cống dự kiến chạy ngầm dưới đáy sông sẽ dẫn nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý. GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam lo lắng sông Tô Lịch sẽ cạn trơ đáy do không còn nước lưu thông.

Sông Tô Lịch sẽ cạn trơ đáy?

Ngày 4/2, tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (nhà máy nước thải Yên Xá), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 7/2 thành phố sẽ nghe các bên liên quan thuyết minh phương án thi công cống thu gom nước thải, đặc biệt là cống gom dọc sông Tô Lịch.

Dự án nhà máy nước thải Yên Xá bao gồm cơ sở xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông. Tổng chiều dài các loại cống hơn 52 km. Theo kế hoạch, 65% hệ thống cống sẽ được đi ngầm giữa sông, 35% cống đào mở. Trong đó, riêng hệ thống cống thu gom nước thải của sông Tô Lịch dài trên 21 km, gần 13 km đi ngầm, hơn 8 km đào mở. Nhà thầu Nhật Bản đã trúng thầu thi công gói thầu này. Thời gian khởi công dự kiến cuối quý I/2020 và hoàn thành trong 48 tháng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi bày tỏ sự lo lắng về giải pháp công nghệ này. “Ngay sau khi đọc được thông tin này, một kỹ sư chuyên ngành nước thải có gọi điện nói rằng tôi cần phải lên tiếng để Hà Nội có giải pháp đúng đắn trong vấn đề xử lý nước thải. Bởi theo các nghiên cứu từ trước đến nay, sông Tô Lịch “sống” được là nhờ có nguồn nước thải bổ cập ra hàng ngày. Nếu thu gom tất cả nước thải về Nhà máy nước Yên Xá đồng nghĩa sẽ không còn nước bổ cập cho sông Tô Lịch nữa. Nguy cơ trước mắt có thể dễ dàng nhìn thấy là sông Tô Lịch sẽ cạn trơ đáy”.

Bài toán khó ở đây chính là lấy nguồn nước nào để bổ cập cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải? Chắc chắn không thể thiết kế vòng tuần hoàn nước sau khi xử lý lại chảy về thượng nguồn vì đặc điểm sông Tô Lịch là độ dốc cao, kéo dài trong đô thị. Nếu xây dựng hệ thống này đòi hỏi phải làm cống riêng, với chi phí rất cao. Còn nếu không, toàn bộ nước thải đã xử lý từ Nhà máy nước Yên Xá sẽ xả thẳng ra sông Nhuệ và sông Đáy. Như vậy, sông Tô Lịch không được hưởng lợi gì từ công nghệ này. Trong khi đó, phương án bổ cập nước từ sông Hồng hay từ Hồ Tây là không khả thi và cũng chưa thực hiện.

Nên nghiên cứu công nghệ khác

GS.TS Vũ Trọng Hồng thì cho rằng, với 280 họng nước thải đang đổ ra sông Tô Lịch hiện nay, cách hợp lý nhất là xây dựng các trạm xử lý nước thải tại chỗ bằng đất hiếm hoặc công nghệ phù hợp. Nước sau xử lý đưa ngay ra sông Tô Lịch, như thế vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm lại vừa duy trì được dòng chảy, không tốn kém quá nhiều kinh phí cũng như thời gian xử lý.

 “Tôi cho rằng chúng ta không nên bị lừa về mặt công nghệ mà cần tỉnh táo lựa chọn giải pháp phù hợp nhất. Chỉ sợ là đầu tư hàng trăm tỉ đồng mà rồi lại phải làm lại, không đạt hiệu quả như mong muốn, sông Tô Lịch không còn là sông nữa, thì rất đáng buồn”, GS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.

Theo GS Vũ Trọng Hồng, không bàn đến công nghệ nano bioreator của Nhật Bản mà cách làm của họ có thể áp dụng được. Đó là tiến hành xử lý tại chỗ thay vì dẫn hết nước xuống hạ lưu xử lý. Việc nạo vét sông, xây dựng các khu xử lý tại chỗ hoàn toàn có thể làm được bằng công nghệ trong nước với những vật liệu rẻ tiền như đất hiếm, hoặc sử dụng vi sinh vật, xử lý nước bằng công nghệ sinh học…

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top