Năm 2020, kết quả kinh doanh của HAGL ghi nhận mức lỗ 2.175 tỷ đồng. Nguyên nhân do các chi phí tăng cao. Số lỗ luỹ kế của HAGL tính đến hiện nay là 5.086 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, HAGL tiếp tục chìm trong biển nợ.
Trong đó, nợ phải trả tăng thêm 4.802 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% so với cuối năm 2019. Riêng các khoản vay ngân hàng và trái phiếu ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2020 là 17.102 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của HAGL là BIDV với 1.235 tỷ đồng gồm cả các khoản vay có kỳ hạn và 5.876 tỷ đồng trái phiếu do BIDV là trái chủ.
Tài sản của công ty được hình thành từ khối nợ khổng lồ. Dòng tiền của HAGL trong hoạt động kinh doanh và đầu tư hao hụt đến mức âm hàng nghìn tỷ đồng.
Mặc dù ngập trong nợ nần, nhưng HAGL cũng cho các công ty con, công ty liên quan vay tín chấp 5.952 tỷ đồng, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng không xác định thu hồi vốn, thậm chí cho chính phủ Lào vay đầu tư xây dựng sân bay Attapeu mà không tính lãi.
Công nợ phải thu của HAGL trong năm 2020 tăng 5.222 tỷ đồng lên 7.673 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu 2.615 tỷ đồng là do công ty thanh lý tài sản cố định, bán chịu nay chưa thu được vốn. Cho vay ngắn hạn tới 4.186 tỷ đồng. Hầu hết các khoản cho vay, công nợ phải đòi của HAGL đều không chắc chắn, khả năng thu hồi khá thấp. Do đó, HAGL đã trích lập 1.330 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay ngắn hạn và 1.190 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản vay dài hạn.
Dễ vay hàng nghìn tỷ đồng, HAGL cũng dễ dàng đầu tư cho công ty con, mà xác định có thể mất trắng. Năm 2010, HAGL chi 17,8 tỷ đồng góp vốn đầu tư thành lập Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Vientiane. Sau 10 năm, công ty này vẫn hoạt động trên giấy tờ, chưa chính thức hoạt động. Số vốn gần 20 tỷ đồng này, HAGL coi như mất, đã trích lập dự phòng rủi ro 100% số vốn bỏ ra.
Ngay cả với Công ty CP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai, HAGL cũng chấp nhận có thể mất trắng 59 tỷ đồng đầu tư bất kể lúc nào.