Lăng mộ Đề đốc Lê Trực
Tiến sĩ võ
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng được sử sách ghi nhận, một trong số đó là Đề đốc Lê Trực.
Lê Trực sinh năm Tân Sửu (1841) tại xã Thanh Thủy, tổng Thuận Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ông thân sinh của Lê Trực nguyên là người Thanh Hóa, vì nghèo đói nên phải di dời vào ngụ cư tại Quảng Bình.
Lúc Lê Trực lên 5 tuổi, người cha bị bệnh mất sớm, Lê Trực phải theo mẹ về vùng Thanh Thủy làm thuê cuốc mướn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ ông phải gửi con cho ông Thủ Ngự, một người trong họ nuôi dưỡng. Ban ngày Lê Trực đi làm cùng với gia đình ông Thủ Ngự, ban đêm ngồi học cùng con Thủ Ngự. Thầy đồ thấy Lê Trực thông minh, hiếu học nên ra sức dạy dỗ.
Lớn lên Lê Trực lấy vợ người cùng quê, nhà cũng nghèo khổ và mồ côi cha mẹ, nhưng một mực yêu chồng và chăm lo sản xuất để nuôi chồng ăn học. Năm 28 tuổi, Lê Trực đỗ cử nhân võ, tiếp theo được sung ngay vào võ học đường học tập để chờ khoa thi Hội.
Năm Kỷ Tỵ (1864), Lê Trực vượt qua kỳ sát hạch ở Võ học đường, ông được tham gia thi Hội. Kỳ thi Hội, Lê Trực đỗ thứ nhì, hạng thứ trúng cách sung vào thi Đình và ông đỗ thứ ba, được ban chức danh Đệ tam giáp võ tiến sĩ xuất thân.
Thất bại ở quan trường
Sau khi đỗ tiến sĩ võ, Lê Trực được bổ dụng chức chánh hiệp quản Thanh Hóa, rồi được điều lên Lạng Sơn giữ chức chánh lãnh binh. Lúc này ở các tỉnh thượng du và trung du tình hình an ninh hết sức phức tạp, nạn phỉ địa phương, phỉ Tàu nổi dậy đánh phá quấy rối khắp nơi.
Là quan võ đứng đầu tỉnh, Lê Trực đã có nhiều chiến tích trong việc diệt trừ bọn phỉ, ổn định tình hình tại các địa phương và giữ vững vùng biên cương của đất nước.
Năm Quý Dậu (1873), Lê Trực được cử giữ chức Đề đốc hộ thành Hà Nội. Đầu tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1882), đại tá Hieri Riviere dẫn 400 quân đến đóng ở Đồn Thủy (nay là vùng bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện quân y 108) uy hiếp Hà Thành. Lê Trực cùng Tổng đốc Hoàng Diệu cho xây dựng phòng tuyến chuẩn bị đánh Pháp và yêu cầu triều đình Huế viện binh.
Sáng ngày 25/4 quân Pháp bất ngờ tấn công vào thành Hà Nội. Hoàng Diệu và quân sĩ chống cự quyết liệt, nhưng quân Pháp quá đông lại được trang bị vũ khí đầy đủ, nên quân sĩ đã không giữ được thành. Để bảo vệ khí tiết, sau khi thảo tờ di biểu bằng máu gửi triều đình, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết.
Thành Hà Nội rơi vào tay giặc. Lê Trực cùng các quan chức bị triệu về Huế trị tội. Nhiều quan trong triều can ngăn mãi, vua Tự Đức mới tha cho tội chết, cho về quê quán. Thất bại ở quan trường, Lê Trực quay về làm bạn với cảnh trí quê nhà, ngày ngày cưỡi ngựa, uống rượu, ngâm thơ cùng bạn hữu.
(còn nữa)
Tất Đạt