Lê Doãn Nhã – một nhà nho yêu nước

Lê Doãn Nhã – một nhà nho yêu nước, l

Vua Tự Đức.

Vị cứu tinh của dân chúng

Lê Doãn Nhã (hay Nhạ), sinh năm Đinh Dậu (1837) tại làng Tràng Sơn, xã Quan Trường, tổng Quan Trung, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một vùng quê nổi tiếng là cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng bao thế hệ anh hùng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao vì vậy thuở nhỏ Lê Doãn Nhã đã nổi tiếng thông minh, có chí khí hơn người.

Ông đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867). Bốn năm sau, ông đậu phó bảng khoa Tân Mùi niên hiệu Tự Đức 24 (1871) lúc ông 35 tuổi, cùng khoa với Nguyễn Xuân Ôn.

Sau khi đỗ phó bảng, Lê Doãn Nhã được vua Tự Đức bổ dụng chức tri phủ Hải Dương. Với cương vị quan tri phủ, Lê Doãn Nhã đem hết khả năng phụng sự triều đình, phục vụ nhân dân, coi sự bình yên của dân là lẽ sống của mình.

Gặp những năm thiên tai mất mùa đói kém, ông thảo sớ tâu xin triều đình miễn thuế cho dân. Những gia đình neo đơn không nơi nương tựa, khi ốm đau ông đến thăm hỏi và cho tiền mua thuốc thang.

Chính vì những việc làm đó, những năm làm quan ở Hải Dương không những ông được nhân dân biết ơn, mà còn coi ông là niềm tin, là vị cứu tinh của dân chúng. Đặc biệt, nhân dân còn truyền tụng nhiều đời về đức thanh liêm, về nhân cách sống của ông qua câu chuyện con cò trắng.

Một hôm có ông lý trưởng đến phủ đường biếu Lê Doãn Nhã một túi tiền và một con cò trắng (với dụng ý thâm độc: nếu Lê Doãn Nhã lấy túi tiền ấy, lập tức con cò sẽ mổ vào mắt ông) và hỏi: Ở quê quan lớn thường nấu thịt cò bằng cách nào ngon nhất?

Lê Doãn Nhã bình tĩnh bảo lính chặt cho ông roi mây dài để sẵn rồi từ từ trả lời: Ở quê thường nấu thịt cò bằng quả mây.

Nói rồi Lê Doãn Nhã lấy roi mây đánh cho lý trưởng một trận và bảo: lần sau ngươi không được phép chơi trò xỏ lá ba que kiểu đó nữa, nếu không ta sẽ cách chức nhà ngươi.

Nói xong ông sai lính lấy túi tiền ấy ra đem chia cho dân nghèo trong phủ. Tên lý trưởng vừa tiếc túi tiền lại bị đòn, phải cúi mặt ra về. Nhân dân trong phủ rất khâm phục Lê Doãn Nhã.

Đạo đức, tướng mạo đẹp

Những năm làm việc tại triều đình, với đức tính tận tụy, hình dáng khôi ngô, tuấn tú, Lê Doãn Nhã được các quan trong triều cảm phục.

Một lần thiết triều, sau vài lần ngắm nhìn, Tự Đức, một ông vua khó tính đã phải khen ngợi: “Trẫm quan chư công khanh, chỉ hữu phó bảng Lê Doãn Nhã, đạo đức tướng mạo, diệc dị khả nhất” nghĩa là trong hàng ngũ làm quan, có ông phó bảng Lê Doãn Nhã, đạo đức, tướng mạo đẹp vào loại bậc nhất.

Có thời gian ở vùng biên cương xứ Nghệ- điểm nóng của bọn phỉ nổi loạn hoành hành, cuộc sống của người dân luôn phải lo sợ. Với uy tín của mình Lê Doãn Nhã được triều đình cử về dẹp loạn.

Vừa nhận chức, Lê Doãn Nhã nhận định nguyên nhân nổi loạn là do bọn xấu xúi giục, do kinh tế khó khăn. Vì vậy một mặt ông đề cao tinh thần đoàn kết giữa người Kinh – người Thượng, đồng thời tự mình vượt suối băng rừng vào tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, gặp già làng, trưởng bản, hòa mình với họ tìm cách giải thích, khuyên răn, đồng thời ông cho mở đường giao thông, tạo điều kiện cho người dân xuôi ngược trao đổi hàng hóa, cho phép người buôn đưa muối lên bán, không phải nộp thuế, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của người dân trở nên yên ổn. Bọn phỉ được ông cảm hóa, giáo dục trở lại làm ăn lương thiện. Vì vậy dân bản hết sức quý trọng ông, coi ông như già làng. Quan trong triều nể trọng, phong cho ông chức vụ Chánh sơn phòng.

(còn nữa)

Dương Tuấn

Theo Đời sống
back to top