Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản làm Phó Trưởng ban.
Ban chỉ đạo gồm 5 Tiểu ban, gồm: Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; Tiểu ban Tiêm chủng; Tiểu ban An toàn tiêm chủng; Tiểu ban Giám sát chất lượng vaccine; Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và truyền thông; Văn phòng thường trực thuộc Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc.
Các tiểu ban chủ yếu giám sát chất lượng vaccine từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản cho đến triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm trên toàn quốc. Xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử trí cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ...
Trước đó, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử với 150 triệu liều vaccine Covid-19. Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Quốc phòng để rà soát và thống nhất việc xây dựng các kho bảo quản vaccine tại 7 quân khu, quân đoàn.
Kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều qua, tháng 7 có thể khoảng 8 triệu liều vaccine từ các nguồn về Việt Nam. Dự kiến đến quý ba năm nay sẽ tiêm được cơ bản cho các nhóm ưu tiên, trong đó đủ số lượng vaccine để tiêm cho lực lượng sản xuất.
Đến nay, Việt Nam mới nhận tổng cộng gần 4,5 triệu liều vaccine, trong đó gần 2,5 triệu liều do Covax hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua VNVC, một triệu liều do Nhật Bản tặng và 500.000 liều do Trung Quốc gửi tặng. Tuy nhiên đến nay, tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam khá chậm, mới đạt gần 2,6 triệu liều.