Làm sao "quét rác" Khá Bảnh?

(khoahocdoisong.vn) - Theo ông Nguyễn Văn Đáng, Trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State (Mỹ), nếu không tìm hiểu và giải quyết các yếu tố tạo nên Khá Bảnh, thì hết Khá Bảnh này lại có thể xuất hiện Khá Bảnh khác.

“Lệch chuẩn” dễ gây chú ý

Những hiện tượng như Khá Bảnh, Tuyền “thánh chửi” đã thu hút sự chú ý, nhất là giới trẻ, gây ra những ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông như thế nào về hiện tượng này?

Gần đây đã xuất hiện nhiều nhân vật thuộc giới giang hồ, sử dụng mạng xã hội để tương tác với số đông, tạo ra những hiện tượng giang hồ mạng.

Có nhiều cách để lý giải sức hút của giang hồ mạng, nhưng theo tôi thì có ba yếu tố chính, trực tiếp là: hành vi lệch chuẩn, sự tiện lợi của mạng xã hội, và tâm lý tò mò của con người.

Như thế nào thì được gọi là “lệch chuẩn”, thưa ông?

Hành vi lệch chuẩn là hành vi vi phạm chuẩn mực hoặc đi ngược lại với sự mong đợi của số đông trong xã hội. Đó có thể là cách ăn mặc dữ dằn, xăm trổ đầy mình, kiểu tóc quái dị, nói tục, vàng đeo lủng lẳng…

Dễ thấy là tất cả các giang hồ mạng, đại diện thế giới giang hồ đầy bí ẩn, đều thu hút người theo dõi trước hết bằng các hành vi lệch chuẩn.

Chính sự khác biệt, thậm chí dị biệt về hành vi đã thỏa mãn tâm lý tò mò vốn có của con người và gây chú ý đặc biệt.  Nhờ sự tiện lợi của mạng xã hội nên sự chú ý đã dễ dàng lan rộng.

Bản chất các hiện tượng xã hội là phức tạp, nên rất khó để khái quát thành những nguyên nhân gốc rễ cụ thể. Ở cấp độ cấu trúc xã hội, có thể bối cảnh xã hội chuyển đổi đã tạo ra sự phân hóa về kinh tế, giáo dục, lối sống…

Khá Bảnh gây chú ý bằng các hành vi "lệch chuẩn"

Khá Bảnh gây chú ý bằng các hành vi "lệch chuẩn"

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này xuất phát từ đâu?

Mỗi nhóm xã hội sẽ có quan niệm sống và khuôn mẫu hành xử không giống nhau. Cho nên, thường diễn ra sự khác biệt, thậm chí xung đột về giá trị, chuẩn mực, thị hiếu hay nhu cầu giữa các nhóm xã hội. 

Ở cấp độ cá nhân, cũng không thể phủ nhận một số khía cạnh tích cực của giới giang hồ mà chính cộng đồng chuẩn tắc cũng thừa nhận như: hành xử nghĩa hiệp, phong cách hào sảng, không ỷ mạnh ăn hiếp yếu, phân chia ngôi thứ theo đúng khả năng….

Đây là những giá trị và chuẩn mực phi chính thức nhưng vẫn được một bộ phận trong xã hội thừa nhận và ủng hộ.

Đặc biệt, với những cá nhân thất vọng với các môi trường chính thức như gia đình, cộng đồng dân cư, nơi làm việc, hay trường học thì họ rất dễ ủng hộ các giá trị được đề cao trong giới giang hồ.

Chẳng hạn, một cá nhân bị đối xử bất công tại nơi làm việc thì họ sẽ dễ có xu hướng ca ngợi lối hành xử hào sảng, có vẻ công bằng của giới giang hồ.

Mà giới trẻ thì lại rất dễ bị cuốn hút bởi các hành động mang tính “anh hùng” hoặc quái dị đến mức khác người, dù về bản chất có thể rất thiển cận.

Phản ứng với Khá Bảnh để bảo vệ các giá trị và chuẩn mực

Ông suy nghĩ thế nào trước quan điểm: đó là tâm lý tuổi trẻ, rồi sẽ trôi qua khi “không còn trẻ”, không nên quá nghiêm trọng hóa vấn đề?

Tôi cho rằng, không nên đơn giản hóa vấn đề như vậy. Chúng ta tôn trọng tự do cá nhân và đa dạng xã hội nhưng không có nghĩa là chấp nhận sự tùy tiện, vô tổ chức.

Tôi đồng ý với một quan điểm gần đây, cho rằng xã hội lành mạnh thì không thể chấp nhận hiện tượng như Khá Bảnh. Một hình ảnh lệch lạc, đại diện cho các mô thức hành vi tiêu cực, đe dọa lợi ích chung thì cần bị tẩy chay và lên án, kiểm soát thích đáng.

Nhưng có phải, sự tồn tại của hiện tượng Khá Bảnh cho thấy tâm lý của giới trẻ hiện nay có sự biến đổi, đó là thực tế không thể phủ nhận? Chúng ta có cần cân nhắc tới yếu tố này khi xử lý vấn đề?

Nhiều người trong chúng ta vốn quen với suy nghĩ chuẩn tắc về giới trẻ là phải “chăm ngoan, học giỏi”, “nghe lời người lớn” nhưng thực tế không như vậy.

Tiến trình hiện đại hóa xã hội đã khiến cái tôi cá nhân được đề cao, tự do cá nhân được ủng hộ, đa dạng nhu cầu được tôn trọng…chính những điều này đã thúc đẩy sự đa dạng xã hội, cả về nhận thức – thái độ - và hành vi.

Tuy nhiên, bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng vận hành dựa trên các hệ “giá trị” nền tảng, được cụ thể hóa thành hệ thống các “chuẩn mực”.

“Hạnh phúc”, “Giàu có”, “Bình đẳng”, “Công bằng”, “Nhân văn”…là những giá trị xã hội điển hình, được đề cao và hướng tới của mọi cộng đồng trên thế giới. 

Phản ứng gay gắt của cộng đồng chuẩn tắc với các giang hồ mạng chính là cách thức để chúng ta bảo vệ các giá trị và chuẩn mực phổ quát, tích cực, đã được cả xã hội chấp nhận và hướng đến đó.

Khi Khá Bảnh bị bắt, có rất nhiều ý kiến đồng tình. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Nếu Khá Bảnh có biểu hiện vi phạm pháp luật thì chính quyền phải vào cuộc là tất yếu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng kể cả tống giam được một số cá nhân giang hồ mạng thì chúng ta cũng mới chỉ giải quyết phần ngọn.

Những yếu tố tạo nên hiện tượng đó, như tôi nêu sơ bộ ở trên vẫn còn, thì hết Khá Bảnh này lại vẫn có thể xuất hiện Khá Bảnh khác.

Thần tượng đích thực chỉ khi được xã hội ca ngợi và muốn noi theo

Vậy để giải quyết tận “gốc” hiện tượng Khá Bảnh, theo ông cần phải làm gì?

Để hạn chế sự xuất hiện và ảnh hưởng tiêu cực của những giang hồ mạng thì cần sự phản ứng nhất quán của gia đình, nhà trường, truyền thông đại chúng, cũng như chính quyền.

Trên tất cả, các giá trị tiến bộ và phổ quát cần phải được phổ biến rộng rãi trong hệ thống giáo dục cũng như thẩm thấu trong các chính sách của nhà nước.

Điều này sẽ góp phần hướng đến một xã hội thịnh vượng và công bằng, hạn chế sự bất bình đẳng và xung khắc xã hội, không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa và lối sống.

Qua hiện tượng như Khá Bảnh, các "hiện tượng mạng xã hội" cần rút ra điều gì?

Việc lợi dụng các hành vi lệch chuẩn và sự dễ dãi của mạng xã hội để gây chú ý là hành động rất nhiều rủi ro. Trước hết, khi đã “lệch chuẩn”, thì dễ bị xã hội phản ứng và lên án.

Hơn nữa, ranh giới giữa “hành vi lệch chuẩn xã hội” và “hành vi phạm pháp” là rất mong manh.

Khi cá nhân, dù vô thức, vượt qua giới hạn của sự lệch chuẩn xã hội (bị phê phán, phản đối) và vi phạm pháp luật (bị trừng phạt) thì hậu quả với họ sẽ là rất lớn. Khá Bảnh bị bắt gần đây là ví dụ điển hình.

Đặc biệt, cần lưu ý rằng, đông người theo dõi không đồng nghĩa với đông “fan” hâm mộ hay người ủng hộ. Gia tăng lượng “views” không đồng nghĩa với việc trở thành thần tượng trong một nhóm công chúng nào đó.

Quan điểm của ông về thần tượng?

Cá nhân chỉ trở thành thần tượng đích thực, có sức hút và sức sống lâu bền nếu họ gây chú ý và thành công dựa trên các biện pháp hợp chuẩn, được xã hội ca ngợi và muốn noi theo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bố mẹ, thầy cô giáo cần bày tỏ thái độ phản đối các kiểu giang hồ mạng, phân tích và chỉ ra khía cạnh lệch lạc trong hành vi của các cá nhân đó, từ đó hướng giới trẻ theo những giá trị và chuẩn mực tích cực mà cả xã hội đang theo đuổi và tuân thủ.

Chính quyền cần theo dõi sát sao mỗi hiện tượng, tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu. Khi thấy các hiện tượng mới có nguy cơ đe dọa lợi ích cộng đồng thì cần phản ứng kịp thời và đủ mạnh, thông qua các công cụ hành chính hoặc pháp luật.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top