Lạm dụng thuốc kháng đông, bệnh nhân đột quỵ không thể dùng thuốc tan cục máu đông

Ông Lê Đức M (59 tuổi, TPHCM) vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cấp cứu vì đột ngột liệt nửa người trái, méo miệng và không nói được.

Ông M có tiền căn rung nhĩ và tăng huyết áp, đang được dùng thuốc kháng đông để phòng ngừa đột quỵ.

Sau khi địa phương hết giãn cách, nhưng ngại đi khám vì sợ dịch Covid-19, ông M không đến tái khám tại bệnh viện theo đúng lịch hẹn, tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ.

kham-cho-bn.jpg
Người bệnh rung nhĩ dù dùng thuốc kháng đông cổ điển hay thế hệ mới đều cần đi tái khám theo hẹn để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh thuốc nếu cần. 

Tại bệnh viện, người bệnh được chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não phát hiện bị tắc động mạch não giữa bên phải.

Tuy nhiên, do người bệnh đang dùng kháng đông, xét nghiệm máu cho thấy tình trạng loãng máu hơn bình thường nên không thể cấp cứu bằng thuốc chích trong liệu pháp tiêu cục máu đông.

Người bệnh nhanh chóng được can thiệp nội mạch cấp cứu, kết quả đã nhanh chóng thông được mạch máu. Sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, chỉ còn yếu liệt nhẹ nửa người.

Theo TS BS. Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhóm thuốc kháng đông đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và hạn chế biến chứng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ. Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh và các triệu chứng đi kèm mà các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng đông phù hợp.

Thuốc kháng đông có thể được chia làm hai loại. Một thuốc kháng đông cổ điển (nhóm thuốc kháng vitamin K) yêu cầu người bệnh phải được theo dõi và xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo hiệu quả.

Kể cả hiện nay, người bệnh rung nhĩ còn có thể được điều trị bằng thuốc kháng đông dạng uống thế hệ mới. Mặc dù, với thuốc thế hệ mới, người bệnh có thể giảm bớt tần suất xét nghiệm định kỳ, nhưng người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên theo lịch.

Việc tự ý sử dụng thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng không thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

TS.BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khuyến nghị, dịch Covid-19 có thể gây hạn chế trong việc di chuyển, người bệnh ngưng tái khám hoặc tự ý ngừng hoặc thay đổi liều thuốc.

Đây là sai lầm rất nguy hiểm vì có thể làm giảm hiệu quả thuốc, gây hình thành huyết khối và có thể dẫn đến đột quỵ. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, người bệnh vẫn cần được theo dõi sát sao để thực hiện các xét nghiệm và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

Các chuyên gia y tế khuyến nghị, trong trường hợp không thể tái khám tại bệnh viện, người bệnh nên chủ động trao đổi trước với bác sĩ điều trị về tình trạng sức khỏe của mình thông qua điện thoại, các ứng dụng kết nối trực tuyến hoặc các kênh thông tin chính thống của bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể. 

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top