Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thành phố khẩn trương xác minh điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm, công khai vụ phá rừng trên.
Cùng đó, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt chỉ đạo đơn vị chủ rừng khẩn trương tổ chức giải toả, lập hồ sơ trồng ngay lại rừng. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan để xử lý trách nhiệm và hoàn thành trước ngày 20/6.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Đà Lạt điều tra, xử lý nghiêm vụ vi phạm trên theo quy định. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử lực lượng phối hợp với Công an TP Đà Lạt trong quá trình điều tra, xác minh.
Sau khi các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khẩn trương lập kế hoạch trồng rừng, phục hồi lại rừng ngay trên diện tích rừng bị phá, không được để đối tượng vi phạm, canh tác, sử dụng sang nhượng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; hoàn thành trước ngày 20/6.
Mặt khác, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý trách nhiệm theo quy định.
Trước đó, ngày 1/6, một số cơ quan báo chí phản ánh vụ phá rừng đặc dụng, bao chiếm đất rừng trái phép trên diễn ra tại khu vực khoảnh 2, tiểu khu 158C. Lâm phần này do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý, nằm trên địa bàn phường 5 (TP Đà Lạt).
Tại đây, hàng chục cây thông 3 lá có đường kính gốc từ 20 - 50cm đã bị các đối tượng sử dụng cưa máy cưa hạ sát gốc. Thân cây bị cắt khúc, chôn lấp, phần gốc cây được lấp đất nhằm che dấu hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tại khu vực này, nhiều cây rừng thuộc đối tượng rừng cây lá rộng cũng bị các đối tượng cưa hạ. Dấu vết hiện trường cho thấy, cây rừng bị cưa hạ diễn ra trong thời gian dài, vết cắt và lá cây đã héo khô.
Đáng chú ý, khu vực rừng bị phá trắng nằm ngay cạnh đường nhựa nối từ trung tâm TP Đà Lạt vào bãi rác Cam Ly...