Kỹ thuật Hybrid cứu sống người bệnh lóc tách động mạch chủ ngực nguy kịch

Lóc tách động mạch chủ là một tình trạng cấp cứu tim mạch nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Việc điều trị đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa sâu, trang thiết bị y tế hiện đại, có phòng mổ Hybrid...

Phát hiện chậm biến chứng nặng nề và tử vong

Ca bệnh mới nhất được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công là người bệnh nam 58 tuổi ở Phúc Lâm (Đoan Hùng, Phú Thọ).

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội đau xiên ra sau lưng; kết quả chụp MSCT động mạch chủ cho thấy hình ảnh Lóc tách động mạch chủ ngực ngay sát quai động mạch chủ, lóc tách lan đến chỗ chia của động mạch chậu (lóc tách động mạch chủ ngực Standford B).

Sau khi có kết quả chẩn đoán cuối cùng các bác sĩ Khoa Can thiệp Tim mạch và Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực đã có hội chẩn đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh là sử dụng kỹ thuật Hybrid (kết hợp phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh và động mạch dưới đòn kết hợp với đặt stent Graft động mạch chủ ngực).

Ca phẫu thuật và can thiệp cho người bệnh đã được thực hiện tại phòng mổ Hybrid do các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực và Khoa Can thiệp tim mạch – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện trong khoảng 4 giờ.

Hình ảnh phim chụp: Động mạch chủ ngực sau khi được đặt Stent và hình ảnh cầu nối động mạch cảnh hai bên bằng mạch máu nhân tạo

Hình ảnh phim chụp: Động mạch chủ ngực sau khi được đặt Stent và hình ảnh cầu nối động mạch cảnh hai bên bằng mạch máu nhân tạo

Người bệnh điều trị hậu phẫu sau 07 ngày đã ổn định, không đau ngực, huyết áp và nhịp tim ổn định. Người bệnh đã được kiểm tra bằng chụp CT 128 dãy, vị trí đặt Stent Graft đúng, tưới máu tạng tốt, không có bất kỳ biến chứng nào và đã được xuất viện.

ThS.BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch cho biết: Trường hợp của người bệnh Bùi Công Đoàn là một ca bệnh nguy hiểm với lóc tách động mạch chủ ngực Stanford B, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật Hybrid để xử lý tình trạng này.

Kỹ thuật Hybrid là gì

Kỹ thuật Hybrid là kỹ thuật phối hợp giữa phẫu thuật và can thiệp mạch máu. Đây là một kỹ thuật cao, chuyên sâu trong lĩnh vực can thiệp và phẫu thuật tim mạch, chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế có sự đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, có phòng mổ Hybrid, kíp phẫu thuật mạch máu và kíp can thiệp mạch máu chuyên nghiệp.

Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có 02 phòng mổ tim, trong đó có 01 phòng mổ Hybrid hiện đại.

Trung tâm đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp cũng như phẫu thuật tim, mạch máu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tim mạch nâng cao cho người dân.

Theo Đời sống
Hiếm gặp: Tắc ruột cao do hội chứng SMA

Tắc ruột cao do hội chứng SMA

Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (SMA) hay còn gọi là bệnh Wilkie là một bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 0.1 - 0.3% trong dân số với các biểu hiện mơ hồ. Cần nhận biết sớm.
back to top