Kinh tế Việt Nam "bị nén lại" trong 2020, dự báo bật tăng từ năm 2021

(khoahocdoisong.vn) - Trong 3 tháng vừa qua, cùng diễn biến theo hướng xấu của dịch bệnh Covid-19 là sự sụt giảm nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không phải quốc gia ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ bật tăng từ năm 2021.

Đối mặt khó khăn

Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được ngăn chặn bằng cách bơm tiền cứu các định chế tài chính, dịch Covid-19 của năm 2020 ảnh hưởng đến nền kinh tế theo một cách khác.

Tính đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế thế giới, qua các làn sóng tác động cụ thể. Trong đó, làn sóng đầu tiên là việc suy giảm của những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới như Mỹ và Trung Quốc. Làn sóng thứ hai liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Làn sóng thứ ba ảnh hưởng đến các lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất do hoạt động trao đổi bị đình trệ của các làn sóng trước và do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, giãn cách xã hội. Doanh nghiệp phá sản, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là làn sóng khủng hoảng tiếp theo. Làn sóng này khiến biện pháp bơm tiền của ngân hàng trung ương sẽ ít có hiệu quả.

Có lẽ vì vậy, báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới vừa được công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF... đều dự báo nền kinh tế giới giảm 3% trong năm 2020 nếu dịch Covid - 19 kéo dài sang quý 3.

“Rất có khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước”, “cuộc Đại phong tỏa dự kiến kéo giảm đáng kể tăng trưởng toàn cầu” - báo cáo trên nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, theo một chuyên gia tài chính, Covid-19 tác động đến nền kinh tế thông qua 3 đợt. Đợt 1 (đã xảy ra), khi dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh. Ảnh hưởng của đợt này đã thể hiện hoàn toàn tại số liệu của quý 1/2020 với doanh thu du lịch giảm 27,8%; nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu từ Trung Quốc giảm 18%...

Đợt 2 (đang xảy ra), dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới với tốc độ nhanh khó kiểm soát ở cả Việt Nam và khu vực. Những ảnh hưởng chủ yếu gồm nhu cầu trong nước suy giảm; cầu thế giới cũng giảm làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu; doanh thu từ du lịch, hàng không, vận tải do các lệnh cấm vận di chuyển.

Đợt 3 (có thể xảy ra) khi dịch bệnh kéo dài tới quý 3 hoặc lâu hơn và dẫn đến suy thoái kinh tế.

Khả năng hồi phục cao từ năm 2021

Như đã nói ở trên, với tình thế hiện tại, chỉ khi dịch Covid-19 chấm dứt thì nền kinh tế mới có thể ổn định trở lại, và điều đó cho thấy biện pháp bơm tiền chưa giải quyết đúng vấn đề.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hành động tạo bước đệm này vẫn được cho là cần thiết. Bởi lẽ, nền kinh tế đang như lò xo bị nén, chỉ đợi lúc công bố hết dịch sẽ bung ra, việc hỗ trợ bơm tiền chủ yếu nhằm mục đích duy trì chiếc lò xo.

“Với các gói tín dụng, giãn thuế mà Việt Nam đang làm có thể cứu nguy cho doanh nghiệp hiện tại. Các doanh nghiệp đang đối mặt với thanh khoản, vì nguồn thu giảm rất sâu mà chi phí lại vẫn như cũ. Nếu không hỗ trợ bơm tiền thì họ sẽ phá sản ngay, có thể trong vài tuần. Họ rời bỏ thị trường sẽ rất khó để khôi phục nền kinh tế” - ông Hiếu nói.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cho thấy tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong quý 1/2020, khi mà cả 3 khu vực kinh tế đều thu hẹp quy mô sản xuất, tăng trưởng GDP quý 2/2020 và cả năm 2020 sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ giải ngân đầu tư công. Thậm chí, ngay cả khi dịch sớm chấm dứt, tăng trưởng trong các quý tiếp theo sẽ vẫn chịu tác động tiêu cực do nền kinh tế bị gián đoạn sẽ để lại các hệ quả kéo dài.

Được biết, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ đầu tư công trong năm 2020 với quy mô khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Tính toán của Bộ KHĐT cho thấy, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Trong trường hợp năm 2020, giải ngân hết 700 nghìn tỷ đồng, thì GDP sẽ tăng 0,42 điểm phần trăm.

Theo dự báo của IMF, thị trường châu Á mới nổi là khu vực hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 ở mức 1%. Trong đó, Việt Nam được đánh giá cao nhất với tăng trưởng 2,7%.

Và với giả định cơ bản là đại dịch Covid-19 sẽ suy yếu dần và được kiểm soát trong nửa sau của năm 2020, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ bình thường trở lại, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tăng trưởng 7%, nhưng là trong năm 2021.

Cùng quan điểm, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating (Fitch) kỳ vọng đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.

Mới đây, ngày 14/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT/TTg về dự thảo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trên sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa và chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội – môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế như tình trạng già hoá dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Đáng chú ý, Chỉ thị cũng đưa các mục tiêu tổng quát của kế hoạch và nhấn mạnh sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước bình quân 5 năm 2021-2025 tăng khoảng 7%.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top