Theo các chuyên gia, việc ngừng hoạt động do dịch Covid-19 có thể dẫn đến sụt giảm GDP khoảng 10% trong quý 2/2020 ở quy mô toàn thế giới. Dựa trên các mối tương quan trong quá khứ, sản lượng kinh tế giảm mạnh có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9%, tương đương mức đỉnh trong khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2009. Nghiên cứu bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang St Louis thậm chí còn ảm đạm hơn, cho thấy gần 50 triệu người Mỹ có thể mất việc trong quý 2, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên trên mức 30%.
Kinh tế Việt Nam trong 4 năm trở lại đây đã ổn định và tăng trưởng tốt, nhưng những điểm yếu của kinh tế Việt Nam lại đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Bao gồm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ yếu, tỷ lệ nợ cao, và cơ chế truyền dẫn chính sách thiếu hiệu quả.
Điều này đã khiến Việt Nam rơi vào cú sốc do những tác động ban đầu của Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, tác động tiêu cực từ cú sốc này đang giảm dần do kinh tế Trung Quốc tái khởi động và sự độc lập tương đối với nguồn cung từ các nước đang bị phong tỏa hiện nay.
Dù vậy, Việt Nam lại đang tiếp tục đón cú sốc đang dần hiện hữu đến từ việc các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ - vốn chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - phải phong tỏa vì dịch bệnh. Khảo sát của McKinsey cho thấy, đa số người dân toàn cầu cho rằng thu nhập sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và sẽ rất cẩn trọng trong chi tiêu. Điều này cho thấy tổng cầu sẽ suy giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Nguy hiểm hơn cả, sự sụt giảm tổng cầu sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực từ tổng cung, cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng đình trệ kéo dài và nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái.
Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang phải chịu đựng hậu quả từ những thay đổi kinh tế bên ngoài. Chỉ số sản xuất PMI của Việt Nam sụt giảm mạnh xuống mức 41,9, thấp nhất trong thập kỷ qua. Dịch Covid-19 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh nhất trong các đơn đặt hàng và sản xuất mới. Và cũng dẫn đến giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Vốn FDI được giải ngân cũng chỉ đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.