Thông tin trên được nêu ra trong văn bản kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Theo đó, điện gió ngoài khơi có rất nhiều ưu việt vì có tốc độ gió lớn trên 10m/giây; lượng gió quanh năm từ 5.000 giờ trở lên, lắp được tua bin lớn công suất trên 10MW tạo ra sản lượng điện hàng năm hàng tỷ kWh. Cùng với đó, trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi đang là xu thế lớn.
Mới đây, Báo cáo của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phát hành tháng 3/2021 cho biết, theo Ngân hàng Thế giới (WB), điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khoảng 475GW, còn theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, con số này đạt khoảng 162GW.
Nếu Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất năm 2030 là 10GW, 2035 là 25GW, năm 2040 là 40GW và năm 2050 là 70GW - tương ứng với tỷ lệ điện năng cung cấp là 5%, 12%, 17% và 27%, Việt Nam có thể đạt được một số kết quả là lũy kế đến năm 2035 bổ sung 50 tỷ USD cho nền kinh tế (bao gồm cả xuất khẩu), tạo mới 700.000 việc làm hàng năm, thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, tránh phát thải hơn 217 triệu tấn CO2, tỷ lệ nội địa hóa 60%...