Kido đẩy mạnh thâu tóm, vay tín chấp cả nghìn tỷ đồng

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều thương vụ hợp tác trong và ngoài nước đã đưa Kinh Đô của anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên trở thành tập đoàn lớn, nâng vốn điều lệ từ 1,4 tỷ đồng khi mới thành lập lên 2.797 tỷ đồng thời điểm hiện tại.

Thâu tóm 

Công ty CP Tập Đoàn Kido (Mã CK: KDC) của anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên là một trong những doanh nghiệp Việt tiên phong và nhạy bén với hoạt động sáp nhập và mua bán (M&A).

Cho đến nay, KDC vẫn xác định hướng đi chiến lược của tập đoàn là tìm các cơ hội M&A, sau đó mới là kinh doanh lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng.

Sau khi thoái vốn cùng lúc tại Nutifood và Tribeco vào năm 2012 để cắt lỗ các khoản đầu tư tài chính, KDC đã thận trọng hơn trong các bước đầu tư và chi tiền vào các công ty khác.

Đầu tiên, KDC tìm những công ty mục tiêu, sau đó lựa chọn một công ty thứ ba để rót tiền đầu tư mua cổ phần mục tiêu.

Cụ thể, năm 2015, KDC bỏ thêm 474 tỷ đồng, gửi Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) 188 tỷ đồng, chuyển cho Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) 135 tỷ đồng, ứng cho Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPS) và một số cá nhân khác. Các công ty này sẽ mua cổ phần của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) "hộ" KDC. Từ đó, tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex của KDC được nâng lên trên 51%, KDC nắm quyền điều hành Vocarimex.

Cũng trong năm 2015, CEO Trần Lệ Nguyên của KDC mua 24,5 triệu cổ phần của VDS, thành lập Công ty TNHH MTV Đầu Tư Châu Á. Công ty do ông Trịnh Hiếu Từ, từng là giám đốc Kinh Đô Sài Gòn (đã ngừng hoạt động), làm đại diện pháp luật.

Công ty Đầu tư Châu Á ngay sau đó đã được KDC rót tiền mua 10,52 triệu CP còn lại của VDS. Nghiễm nhiên, VDS đã trở thành công ty dưới trướng của ông Trần Lệ Nguyên, trong tầm kiểm soát của KDC.

Sau đó, VDS được KDC ứng cho 852 tỷ đồng để tìm mua các cổ phần mục tiêu khác và 371 tỷ đồng đầu tư tiếp vào Vocarimex.

Sau vài lần mua thêm, đến tháng 4/2020, ông Trần Lệ Nguyên đã bán hết 34 triệu CP của VDS. Đến tháng 2/2021, Đầu tư Châu Á cũng bán thành công 15 triệu CP VDS. Lương duyên của KDC và VDS cũng chấm dứt từ đây.

Từ năm 2019, Công ty Đầu tư Châu Á được KDC tin tưởng giao gần 2.000 tỷ đồng để mua các CP mục tiêu, giúp KDC thực hiện giấc mơ “bành trướng” thâu tóm các công ty trong tầm ngắm.

Tính đến ngày 31/12/2020, Đầu tư Châu Á vẫn đang nắm giữ 1.693 tỷ đồng của KDC để tìm mua CP mục tiêu cho KDC.

KDC sử dụng nhiều pháp nhân khác để mua cổ phần mục tiêu rõ ràng sẽ thuận lợi hơn về thủ tục pháp lý, đồng thời hạn chế được sự ra mặt của KDC. Những món tiền hàng nghìn tỷ thay vì được hạch toán vào khoản đầu tư, KDC lại cho vào khoản phải thu ngắn hạn khác. Trường hợp khó thu hồi vốn, chỉ cần trích lập dự phòng rủi ro. KDC bán lại cổ phần và thoái vốn, thậm chí ngừng hoạt động pháp nhân. KDC không bị ảnh hưởng nhiều.

Nếu kinh doanh hiệu quả, khoản lãi thu được sẽ không phải ghi nhận vào lợi nhuận thu được trong kết quả kinh doanh của tập đoàn, tránh được không ít số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hợp tác trong lĩnh vực từng thất bại

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của KDC không có nhiều biến động, chỉ tăng nhẹ 3,7%. Doanh thu của ngành dầu ăn tăng trưởng tốt đã góp phần giúp KDC lãi 418 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2019.

Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng tốt, nhưng dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh của KDC có phần kém hơn năm trước, do giá trị hàng tồn kho tăng cao và công ty phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư và phải thu khó đòi. Do đó, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 giảm đáng kể, tới 68% so với năm 2019.

Sau khi trả nợ gốc vay, KDC lại tiếp tục vay thêm được 8.987 tỷ đồng, làm đòn bẩy tài chính, đưa dòng tiền lưu chuyển thuần trong kỳ của KDC lên 525 tỷ đồng. Nhờ vậy, khả năng chi trả nợ ngắn hạn từ lưu chuyển thuần trong kỳ của KDC khá cao với tỷ lệ 15,6%.

Có thể nói KDC khá được các ngân hàng tin cậy, cho tập đoàn này vay hơn 2.500 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm, với lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn, Vietcombank cho KDC vay kinh doanh tín chấp 550 tỷ đồng, với lãi suất 4,5 - 5,1%/năm. Vietinbank cũng cho KDC vay không thế chấp 525 tỷ đồng với lãi suất 3,8 - 4,8%/năm. Tương tự, KDC dễ dàng vay tín chấp 426 tỷ đồng từ BIDV, 396 tỷ đồng từ MBBank và một số ngân hàng khác.

Lên kế hoạch cho năm 2021, KDC đặt kế hoạch doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 800 tỷ đồng, tăng 91,5% so với năm 2020.

Mặt khác, theo chiến lược của ban lãnh đạo, KDC sẽ liên doanh với Vinamilk trong lĩnh vực nước giải khát. Tổng số vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng. Trong đó, KDC góp 196 tỷ đồng, tương đương sở hữu 49% vốn.

Sau hai lần thất bại trong việc hợp tác sản xuất, kinh doanh nước uống giải khát trước đây, KDC chắc chắn sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm xương máu để xây dựng mảng kinh doanh tuy cũ mà cũng mới này.

Theo KH&ĐS
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Trong quý 3/2024, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.698 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của VNSteel ghi nhận gần 138 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp co hẹp lại còn 1,58%.
back to top