Kích hoạt quy trình cấp cứu bệnh viện vệ tinh, cứu sống bệnh nhân sốc mất máu

(khoahocdoisong.vn) - Là bệnh viện tư nhân đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và đề án 1816. Sự hợp tác này không chỉ giúp Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương phát triển các kỹ thuật cao, người bệnh hưởng lợi mà nhiều ca bệnh đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

5 giờ đại phẫu + 14 đơn vị máu hồi sinh sự sống

Khoảng 22h Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương thuộc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận bệnh nhân nam được gia đình đưa tới trong trạng thái sốc mất máu do vết thương vùng mông phức tạp. Nếu không được phẫu thuật kịp thời người bệnh có thể sẽ tử vong.

Vì vậy, quy trình cấp cứu tối khẩn cấp đã được kích hoạt tại phòng khám tới bệnh viện. Ngay sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân đã nhanh chóng được xe cứu thương cùng kíp bác sĩ vận chuyển chuyên nghiệp vừa hồi sức tích cực vừa đưa về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Tại Bệnh viện, kíp bác sĩ gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, phẫu thuật chấn thương... đã chuẩn bị sẵn và bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng mổ. Bằng những kết quả xét nghiệm được chuyển về từ phòng khám qua mạng máy tính nội bộ, bệnh nhân không cần làm thêm bất cứ một xét nghiệm nào khác.

Cuộc đại phẫu bắt đầu lúc 22 giờ và phải đến hơn 3h sáng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BSCKI Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện, Đa khoa Hùng Vương, kíp mổ và kíp gây mê đã phối hợp phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân, khâu lỗ thủng vết thương tại trực tràng, nối niệu đạo do vỡ xương chậu, phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp vùng mông đặc biệt bệnh nhân phải truyền tới 14 đơn vị máu và các chế phẩm từ máu mới đưa bệnh nhân từ “cõi chết” trở về.

BSCKI Đặng Thanh Hải, trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là một trường hợp thương tích rất nặng, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái sốc, mạch nhanh (140/phút) huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt nhạt, gọi hỏi không đáp ứng. Tuy nhiên, bệnh nhân được cứu sống nhờ quy trình phối hợp nhịp nhàng giữa trung tâm cấp cứu tại Phòng khám vệ tinh và bệnh viện.

Để thực hiện được điều này đòi hỏi công tác chỉ đạo giữa các phòng khám và bệnh viện phải có sự phối hợp ăn ý đặc biệt quy trình “báo động đỏ” nhằm khẩn trương cấp cứu người bệnh đảm bảo tính liên tục và thời gian “vàng” trong điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 mang lại nhiều lợi ích

Theo BSCKI Đặng Thanh Hải, từ ngày 27/5/2019, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chính thức là bệnh viện tư nhân đầu tiên trong cả nước, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K T.Ư và tham gia Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai. Với việc triển khai mô hình vệ tinh tại đây, các kỹ thuật điều trị ung thư như hóa trị, điều trị đích; các kỹ thuật mới liên quan đến hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp, lọc máu... sẽ được Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao và thực hiện ngay tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Nhận thức rằng, đầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết, nhưng người sử dụng kỹ thuật cao là yếu tố quyết định, do đó, rất cần những người có trình độ cao, kiến thức rộng, nắm bắt và làm chủ được công nghệ để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân… HĐQT và Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, coi đây là 1 trong 3 yếu tố quan trọng để bệnh viện tồn tại và phát triển.

Do đó, những năm qua, nguồn lực con người đã được Bệnh viện tăng cường rõ rệt cả về số lượng và chất lượng tương ứng. Từ đội ngũ chỉ có 6 bác sĩ, 40 điều dưỡng, 1 dược sĩ đại học khi mới thành lập, đến nay bệnh viện đã có 149 bác sĩ, 247 điều dưỡng, 20 nữ hộ sinh, 16 dược sĩ.

Đội ngũ này đã được đào tạo cơ bản tại các trường, khi về bệnh viện tiếp tục tham dự các khóa đào tạo cơ bản theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại chỗ hoặc tại các bệnh viện tuyến Trung ương, do đó đã đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương còn có nhiều chương trình hợp đồng, liên kết với các giáo sư, bác sĩ tại các bệnh viện ở tuyến Trung ương. Hằng tuần, các chuyên gia này về bệnh viện để truyền dạy, cập nhật kiến thức mới hoặc trực tiếp thăm khám, rút kinh nghiệm với từng bệnh án cụ thể. Đây là cách làm tốt, tạo hiệu quả cao trong thực tiễn khám, chữa bệnh của Bệnh viện.

Nhờ đó, năm 2010, khi mới khai trương, cả năm bệnh viện chỉ có 478 lượt khám ngoại trú, 133 lượt điều trị nội trú đến năm 2019 đã có trên 150.000 lượt khám ngoại trú và trên 30.000 lượt khám điều trị nội trú. Số ca phẫu thuật cũng tăng từ 128 ca năm 2012 lên 5.139 ca năm 2019. Nhờ đề án Bệnh viện vệ tinh và 1816, Bệnh viện đã được chuyển giao và đưa vào sử dụng một số kỹ thuật mới như: Chụp cộng hưởng từ (MRI), CT đa dãy, chụp mamo vú, tán sỏi ngoài cơ thể, sử dụng dao siêu âm trong phẫu thuật, sinh thiết tế bào dưới hướng dẫn hệ thống máy CT 128 dãy, phẫu thuật nội soi, tán sỏi, phẫu thuật sọ não, thần kinh cột sống đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng công nghệ plasma vào y học, phẫu thuật và điều trị ung thư, triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh nhân nặng... Số ca phẫu thuật loại I, loại II có xu hướng tăng rõ rệt.

Chính nhờ sự phát triển và kết nối này, người bệnh đã được khám và điều trị kỹ thuật cao, chuyên môn tốt ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top