Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, qua cơn bão số 3 (tháng 9 năm 2024) cho thấy lũ quét, sạt lở đất vẫn gây thiệt hại nặng nề cho vùng miền núi phía Bắc. Trong và sau bão số 3, mưa lớn trên diện rộng trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc làm 265 người chết, mất tích. Trong đó có những sự kiện đặc biệt nghiêm trọng như: Lũ quét, lũ bùn đá ngày 10/9 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai làm 67 người chết, mất tích; Sạt lở đất trưa 10/9 tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai làm 18 người chết, mất tích; sạt lở đất sáng ngày 9/9 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 31 người chết, mất tích; Sạt lở đất rạng sáng 9/9 tại xóm Lũng Súng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 11 người chết, mất tích.
Theo báo cáo của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân dẫn đến khu vực miền núi phía Bắc xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do tình hình mưa lũ ngày càng cực đoan, mưa lớn trong thời gian ngắn đặc biệt cơn bão số 3 diễn ra đầu tháng 9/2024. Trong khi địa hình khu vực này là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, địa chất phức tạp.
Bên cạnh đó, tập quán sinh sống của đồng bào tỉnh miền núi là sống gần nguồn nước sông, suối khu vực sườn dốc nơi thường xuyên xảy ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó là việc thiếu điều kiện phương tiện, thông tin nên việc phòng tránh thiên tai hạn chế.
Ngoài ra việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của một số địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn nhất là tình huống mưa lớn cực đoan.
Lũ quét, sạt lở đất vẫn gây thiệt hại nặng nề cho vùng miền núi phía Bắc - Ảnh: Báo Lào Cai |
GS.TS Đỗ Minh Đức – Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, muốn giảm thiểu ảnh hưởng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc cần phải phát hiện và cảnh báo sớm về trượt lở ở các vùng đất dốc.
“Những hành động không quá phức tạp và dễ thực hiện có thể phòng tránh được thảm họa cụ thể như chủ động phát hiện các khe nứt kéo dài trên mái dốc, phát huy vai trò các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai, cán bộ cơ sở trong phát hiện sớm hiện tượng trượt lở hay cây gãy đổ gây nghẽn dòng chảy. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần kết hợp các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn hướng đến mục tiêu quản lý rủi ro tai biến trượt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân” –GS.TS Đỗ Minh Đức nhấn mạnh.
Ở góc nhìn quy hoạch, TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, cần bổ sung các quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Lồng ghép giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ trong quy hoạch không gian…
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là công cụ mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm về sạt lở đất, lập kế hoạch ứng phó thiên tai bằng cách kết hợp dữ liệu trong quá khứ với các dữ liệu địa lý và môi trường hiện tại. GIS giúp các nhà quản lý đánh giá mức độ nghiêm trọng của các trận sạt lở tiềm năng, điều này cho phép phân bổ nguồn lực tốt hơn, lập kế hoạch sơ tán và thiết kế các chiến lược ứng phó thiên tai hiệu quả.
Trình bày báo cáo đánh giá tình trạng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất theo cách tiếp cận dựa trên thông tin rủi ro - Thí điểm đánh giá rủi so sạt lở cho thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam đã khái quát bức tranh thiên tai lũ quét sạt lở đất tại tại thị trấn Cốc Pài, đề xuất khung đánh giá an toàn lũ quét, sạt lở đất tại đây. Qua đó, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng kiến nghị cần xây dựng ngân hàng dữ liệu về lũ quét, sạt lở đất cho các khu vực miền núi phía Bắc và cả nước nói chung.