Khu Kinh tế Dung Quất: Nguyên do 16 dự án rơi vào thế "kẹt"

(khoahocdoisong.vn) - Tại Khu Kinh tế Dung Quất hiện có 16 dự án đang trong thế "kẹt" chưa thể triển khai do các cấp chưa thể thống nhất áp dụng quy trình thủ tục đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất (trồng lúa, đất rừng phòng hộ) dù đã nhận được hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

"Kẹt" 16 dự án

Cuối tháng 12/2019, do vướng mắc về thẩm quyền của HĐND tỉnh liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất lúa của 14 dự án trong phân khu chức năng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Đảng đoàn HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo Thường ủy Tỉnh ủy một số nội dung đáng chú ý.

Cụ thể, việc thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trong KKT Dung Quất còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến thẩm quyền HĐND tỉnh. Đến kỳ họp 16 (tháng 7/2019), HĐND tỉnh không đồng ý thông qua danh mục công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ của các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư trong KKT Dung Quất.

Sau đó, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Tư pháp đều có văn bản hỏi Bộ TN&MT. Nhưng đến khoảng cuối tháng 12/2019, Bộ này chưa có trả lời bằng văn bản, để tỉnh để có cơ sở thực hiện (!).

Trong thời gian chờ Bộ trả lời, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để thực hiện thu hồi đất đối với từng dự án đã quyết định chủ trương đầu tư trong KKT Dung Quất. Tại kỳ họp thứ 17 (tháng 12/2019), UBND trình HĐND tỉnh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa của 14 dự án trong phân khu chức năng của KKT Dung Quất với diện tích đất lúa là 23ha (trước đó đã được UBND tỉnh cho thực hiện thu hồi đất).

Chiếu theo Điều 151 Luật Đất đai, và điều 3, điều 9 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hồ sơ thu hồi đất, giao đất phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo rà soát của Đảng Đoàn HĐND tỉnh, UBND tỉnh không trực tiếp thu hồi và giao đất cho từng dự án thuộc phân khu chức năng của KKT Dung Quất. Mà thu hồi và giao cho BQL KKT Dung Quất toàn bộ diện tích theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt hàng năm. Để BQL KKT Dung Quất thực hiện bồi thường trước khi giao lại, cho thuê đất đối với từng dự án trong KKT Dung Quất.

Bên cạnh đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa cũng phải được thực hiện đồng thời khi thực hiện thu hồi và giao đất cho BQL KKT Dung Quất.

Đảng Đoàn HĐND tỉnh Quảng Ngãi xác định, đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao cho BQL KKT Dung Quất nếu có ảnh hưởng đến đất lúa, đất rừng phòng hộ thì cũng trình Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa (không trình chuyển mục đích sử dụng đất riêng từ dự án trong KKT Dung Quất).

Đảng đoàn HĐND tỉnh đánh giá, việc năm 2019 UBND tỉnh đã duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất theo từng công trình, dự án trong phân khu chức năng KKT Dung Quất và hiện nay, trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất lúa của từng dự án trong phân khu chức năng KKT là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Hơn nữa, nếu cộng tổng diện tích đất lúa của 14 dự án là 23ha, thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh).

Khu Kinh tế Dung Quất thu hút nhiều nhà đầu tư (ảnh: internet).

Khu Kinh tế Dung Quất thu hút nhiều nhà đầu tư (ảnh: internet).

Xác định đất từng dự án hay cộng dồn?

Vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ của các dự án trong KKT Dung Quất nêu trên đã được Bộ TN&MT trả lời ngày 21/1/2020. Đầu tuần tháng 3/2020, Sở TN&MT tỉnh báo cáo tới UBND tỉnh cụ thể các nội dung liên quan. Trong đó Sở đề nghị UBND tỉnh tổ chức họp thống nhất quan điểm, vì nội dung phúc đáp của Bộ còn nhiều điểm phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan.

Về thẩm quyền thu hồi đất, căn cứ phúc đáp của Bộ, Sở TN&MT xác định: đối với các dự án sử dụng đất trong các khu chức năng của KKT đã được BQL quyết định chủ trương đầu tư thì không thuộc trường hợp của HĐND cấp tỉnh thông qua. Do đó, 16 dự án (bổ sung 02 dự án) BQL đã xác định nằm trong các khu chức năng của KKT Dung Quất nên không thuộc trường hợp thông qua HĐND tỉnh.

Các dự án trong khu chức năng của KKT Dung Quất (do BQL ra quyết định chủ trương đầu tư) không có dự án nào được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ thì phải trình Thủ tướng.

Đồng thời, với các dự án không nằm trong các khu chức năng của KKT thì phải thực hiện đúng quy định tại điều 58 Luật Đất đai. Cụ thể, nếu chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất lúa và dưới 20ha đất rừng phòng hộ thì lập hồ sơ trình HĐND thông qua, nếu trên mức này thì trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Theo Sở TN&MT, BQL đăng ký kế hoạch sử dụng đất của 16 dự án tổng diện tích đất lúa là 30,89ha thì phải được Thủ tướng chấp thuận trước khi UBND tỉnh duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện…

Chưa rõ việc tranh thủ ý kiến của nhiều cơ quan mà Sở TN&MT kiến nghị tới UBND tỉnh được xem xét thực hiện ra sao, nhưng theo quan điểm của BQL KKT Dung Quất thì việc xác định trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào mục đích khác để trình cấp thẩm quyền cho phép thì phải được thực hiện theo từng dự án đầu tư được cấp quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải là cộng dồn tổng diện tích đất các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trong khu chức năng của KKT Dung Quất để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể thấy, nếu cộng dồn 16 dự án trên thì tổng diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ lên đến trên 30ha, có nghĩa là phải được sự chấp thuận của Thủ tướng cho phép chuyển mục đích đất. Nhưng nếu xác định theo từng dự án thì diện tích đất có mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ của từng dự án có thể nhiều dự án nhỏ hơn 10ha và áp vào quy định sẽ không thuộc trường hợp phải được Thủ tướng chấp thuận.

Đây có lẽ là ý do để BQL KKT Dung Quất đưa ra ý kiến của mình về câu chuyện áp dụng luật cho 16 dự án "kẹt".

Theo Đời sống
back to top