Hòa Phát Dung Quất kêu vướng mắc kéo dài, tỉnh "nói luôn" lỗi do doanh nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Thép Hòa Phát Dung Quất đệ văn bản kiến nghị “khẩn cấp” về hàng loạt khó khăn kéo dài trong GPMB, hay “đói” quỹ đất tái định cư khi triển khai các dự án trên địa bàn Dung Quất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Quảng Ngãi cũng nêu loạt lý do quan trọng từ chính Hòa Phát nên dẫn đến tình trạng trên.

Điệp khúc “kêu”

Ngày 28/2, một văn bản khẩn cấp dài 14 trang được Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (HPDQ) gửi tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc chính sách tái định cư (TĐC), bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao đất đối với các dự án trên địa bàn.

Đây đã là lần thứ 6 HPDQ phải kiến nghị giải quyết khó khăn này.

Cụ thể, về TĐC, tại mặt bằng 115ha thuộc Khu liên hợp mở rộng, có 342 hộ đăng ký 421 lô TĐC gồm có 95 hộ giáp ranh Khu liên hợp đăng ký 137 lô TĐC và 247 hộ còn lại đăng ký 284 lô TĐC. Trong đó có 49 hộ tương ứng 57 lô TĐC đăng ký vào khu TĐC có sẵn trong KKT Dung Quất, còn lại 293 hộ tương ứng 364 lô đều đăng ký vào khu TĐC mới chưa xây dựng tại KĐT Vạn Tường (xã Bình Hải).

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, nội dung này (phát sinh từ tháng 9/2018) đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ngành chỉ đạo giải quyết, họp dân lấy ý kiến nhiều lần từ đầu 2019. Đến nay, đã phê duyệt đền bù được 3 hộ dân vào khu có sẵn, còn lại 339 hộ vẫn đang …chờ BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và UBND huyện Bình Sơn phê duyệt phương án đền bù.

Thực tế hiện nay vẫn đang chờ UBND tỉnh quyết định chính thức là việc đầu tư khu TĐC mới tại KĐT Vạn Tường theo nguyện vọng của người dân và cơ chế thực hiện. Chính vì vậy, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất kiến nghị tỉnh sớm chấp thuận chính thức xây dựng khu TĐC mới tại KĐT Vạn Tường.

Cần nhắc lại, tháng 9/2019, Hòa Phát cho biết, việc GPMB khu 115ha đang rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ dự án. Bởi theo chủ trương của tỉnh tại văn bản ngày 18/4/2018 thì phải hoàn thành bồi thường, GPMB khu này trong quý 1/2019.

Ngoài ra, theo thống kê, dự kiến phải di dời khoảng hơn 3.800 ngôi mộ (khu 115ha có khoảng 600, dự án Bến cảng tổng hợp khoảng 173 và còn lại là dự án Khu hậu cần cảng).

Tại khu Cảng tổng hợp – Container, HPDQ cũng nêu ra một loạt vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết như: giao khu vực biển khoảng 34,88ha (công ty đã hoàn thiện hồ sơ nộp Sở TNMT theo văn bản ngày 7/11/2019 báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển); Giao đất có mặt nước khoảng 5,61ha (BQL đã có văn bản ngày 24/2/2020 đề nghị huyện Bình Sơn thống nhất đề nghị UBND tỉnh ban hành thông báo thu hồi đất)…

Liên quan tới nhà máy sản xuất hợp kim sắt, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất vẫn tồn tại hàng loạt vướng mắc xuất hiện từ khoảng giữa 2018. Trong đó nổi bật là việc người dân không thống nhất mức hỗ trợ vật kiến trúc trên đất nông nghiệp (20%). Dù rằng xã Bình Đông và Trung tâm phát triển quỹ đất đã 2 lần vận động; Công tác trình, phê duyệt phương án còn chậm (mới duyệt được 28,7/32,1 ha)…

Hòa Phát nhiều lần "kêu" vướng mắc kéo dài về các dự án tại Dung Quất. (Ảnh internet)

Hòa Phát nhiều lần "kêu" vướng mắc kéo dài về các dự án tại Dung Quất. (Ảnh internet)

Lỗi tại ai?

Vài ngày sau khi Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất có văn bản kêu khó nêu trên, bất ngờ xuất hiện thông tin phúc đáp từ Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ ) đối với các kiến nghị của cử tri địa phương.

Theo phản ánh, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (51ha) đã Thông báo thu hồi đất, đã được kiểm kê, lập phương án bồi thường, nhưng đến nay chưa chi trả tiền bồi thường và di dời nhân dân đến nơi ở mới.

TTPTQĐ cho biết, khu đất này (51ha) được UBND tỉnh có chủ trương làm quỹ đất sạch theo đề nghị của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Theo đó, UBND huyện Bình Sơn đã có thông báo thu hồi đất (ngày 21/1/2019). Công tác xác lập hồ sơ bồi thường được 9,7ha đất lúa và 19 hộ có nhà.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đề nghị phía Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chuyển kinh phí để thực hiện chi trả, đến 10/6/2019, Công ty phúc đáp tại Công văn 1030/HPDQ, trả lời: “sẽ xem xét triển khai sau theo lộ trình đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng không nêu rõ việc chuyển kinh phí để thực hiện GPMB như đã cam kết và không xác định thời gian triển khai dự án, nên không có kinh phí để tổ chức bồi thường, hỗ trợ lập phương án di dời.

Cuối tháng 11/2019, vấn đề xây dựng khu TĐC cho người dân xã Bình Thuận tại KĐT Vạn Tường (để phục vụ cho các dự án trong KKT Dung Quất) từng được Thường trực HĐND tỉnh chất vấn UBND tỉnh.

Cụ thể, mặc dù BQL KKT Dung Quất đã có Quyết định 277/QĐ-BQL ngày 28/08/2017 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư phục vụ di dời xã Bình Thuận (giai đoạn 1) tại KĐT Vạn Tường, nhưng “mãi đến nay vẫn không thấy triển khai thực hiện”. Được biết tại vị trí này tỉnh đã giao cho FLC, trong khi tỉnh đã cho thực hiện dự án mở rộng nhà máy thép Hòa Phát (115ha) nhưng vẫn chưa có địa điểm làm khu TĐC cho dân.

Nhắc lại, văn bản của HĐND tỉnh ngày 27/11/2019 nêu rõ, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất vận hành đã gây ảnh hưởng về môi trường như: tiếng ồn, bụi, mùi hôi, tại khu vực đang triển khai dự án 115ha mở rộng, một số diện tích đất nông nghiệp của nhân dân chưa bồi thường nhưng Công ty đã thi công, san ủi. Một vài tuyến đường dân sinh đi lại của nhân dân do các phương tiện giao thông phục vụ xây dựng trong Công ty Hòa Phát làm hư hỏng.

Công ty khoan nổ mìn tại mỏ đá Đồi Sáo làm văng đá gây hư hỏng nhà cửa, tài sản, tính mạng người dân… Thậm chí, một số phần mộ thân nhân của người dân trong vùng dự án đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa kịp di dời thì công ty tiến hành múc đất xung quanh các ngôi mộ, nhà cửa, vật kiến trúc. Dự án 115ha chưa được bồi thường, khu TĐC phục vụ di dời dân trong vùng dự án chưa xây dựng.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top