Lãng phí và thất thoát hàng nghìn tỷ
Tính đến cuối năm 2020, con số nợ phải trả của TKV là 85.127 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2019 (tương đương tăng 1.938 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn của TKV là hơn 45.200 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn 4.588 tỷ đồng.
Tài sản của TKV nhiều năm nay luôn bị mất cân bằng khi phụ thuộc vào nợ. TKV phải dùng nợ ngắn hạn để tài trợ cho những tài sản dài hạn của tập đoàn, do nhiều khoản đầu tư, dự án “khủng” của tập đoàn bị ngưng trệ trong nhiều năm. Theo đó, thời gian thu hồi vốn cũng bị kéo dài. Tập đoàn buộc phải thường xuyên đảo nợ ngắn hạn, vay nợ mới trả nợ cũ để bù đắp cho những dự án khủng hàng nghìn tỷ đồng đang bị “bỏ hoang” hàng thập kỷ qua.
Cho đến ngày 31/12/2020, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TKV lên tới 12.461 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Một loạt “siêu” dự án của TKV được lên kế hoạch cách đây cả chục năm, giờ vẫn dang dở, nguy cơ lãng phí, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Một trong những “siêu” dự án của TKV bị bỏ hoang là dự án Trung tâm Giao dịch Than Khoáng sản Việt Nam (Trụ sở Vinacomin) trên khu đất rộng 9.442m2 tại lô số 22 - E3 - Khu đô thị mới Cầu Giấy - Hà Nội.
Dự án trụ sở Vinacomin được phê duyệt từ năm 2012, với tổng mức đầu tư là 3.771 tỷ đồng. Dự án có thiết kế gồm 36 tầng nổi và 5 tầng hầm, do chính TKV là chủ đầu tư. Đơn vị tổng thầu là Công ty TNHH xây dựng Delta.
Theo thoả thuận hợp đồng, tiến độ thi công dự án là 5 ngày/sàn, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/20218. Tuy nhiên, sắp hết quý 2/2021, dự án nghìn tỷ mới chỉ xong phần thô.
Một cán bộ quản lý của TKV cho biết, tập đoàn đã chủ trương xây trụ sở Vinacomin với mục đích vừa là trụ sở văn phòng, vừa kinh doanh cho thuê. Tuy nhiên, do vướng mắc cơ chế, TKV hiện nay không được kinh doanh ngoài ngành đã đăng ký, nên tập đoàn vẫn đang loay hoay trong việc tiếp tục dự án hay không. Bởi “xây xong cũng không được kinh doanh sẽ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, kéo theo khoản chi phí khổng lồ mỗi năm” - vị cán bộ này nói.
“Siêu" dự án khác là Dự án Xây dựng toà nhà trung tâm điều hành Vinacomin tại Quảng Ninh, với diện tích hơn 5.075m2. Dự án được khởi công từ năm 2011, có kiến trúc cao 25 tầng tọa lạc ngay trung tâm TP Hạ Long (95A Lê Thánh Tông). Dự án này cũng bị “trì hoãn”, “nhôm nhoam” gây mất mỹ quan đô thị trong gần một thập kỷ. Phải đến quý 1/2021, dự án mới tạm hoàn thiện, dù trước đó TKV nhiều lần có công văn xin giãn tiến độ và cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019.
Dự án Khe Chàm II - IV được thực hiện trong năm 2014, với tổng mức đầu tư là 12.568 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank Quảng Ninh tài trợ vốn 1.300 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm trễ so với dự kiến, chưa đạt yêu cầu.
Một loạt dự án nghìn tỷ khác mặc dù được cam kết hoàn thành từ những năm 2014, 2015 đến nay vẫn chưa hoàn thành và đưa vào hoạt động gồm: Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy luyện đồng, Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh...
Hệ luỵ của sự chậm trễ, đóng cửa các dự án này làm “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng, lãng phí tài nguyên đất của Nhà nước. Không những vậy, còn gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân địa phương.
Khó cổ phần hóa vì quá nhiều đất
Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ của TKV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Theo đó, TKV phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.
Để thực hiện cổ phần hóa, TKV phải lập phương án xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, với khối lượng đất và nhà quá lớn TKV đang sở hữu, việc lập phương án xử lý nhà đất và quá trình thẩm định, phê duyệt không hề đơn giản.
TKV đang quản lý và sử dụng hơn 400 cơ sở, nhà, đất, được phân bố ở 32 tỉnh, thành trên cả nước, với khoảng 17,37 triệu m2 đất và 1,6 triệu m2 nhà.
Do đó, cuối năm 2019, TKV đã có báo cáo xin gia hạn thời gian cổ phần hóa đến ngày 31/12/2022.
Theo Luật Đất đai, Doanh nghiệp Nhà nước phải thường xuyên thực hiện sắp xếp đất đai để quản lý tài sản đất này. Tuy nhiên, bấy lâu nay, ngay cả đến thời điểm hiện tại TKV vẫn chưa hề sắp xếp theo quy định của Luật Đất đai, cũng chỉ với lý do quá nhiều đất để sắp xếp.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, việc chậm thoái vốn chẳng qua là do doanh nghiệp không muốn làm, không dám chịu chịu nhiệm, nên viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để trì hoãn hoặc không thực hiện cổ phần hóa.
Bên cạnh vướng mắc đất đai, TKV còn gặp khó khăn đối với một số dự án bị dừng triển khai như Dự án Cảng Kê Gà - Bình Thuận 88,7 tỷ đồng, Dự án Khu lấn biển cụm Công nghiệp Cẩm Phả 107,4 tỷ đồng...
Ngoài ra, TKV có nhiều tồn tại về tài chính, nhất là những tồn tại về tài chính trong quá trình cổ phần hóa các công ty con trước đây được chuyển về Công ty mẹ - Tập đoàn TKV.
Hiện, TKV có những khoản công nợ khó đòi hơn 331 tỷ đồng, trong đó có 13,26 tỷ đồng là cổ tức của Công ty CP Than Cọc Sáu, 61,46 tỷ đồng từ Công ty Đầu tư thương mại và Phát triển Hà Nội - Chi nhánh (Hapexco)...
TKV cũng gặp một số vướng mắc khác liên quan đến tài sản hình thành từ nguồn Quỹ phúc lợi và nguồn xã hội hóa.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận ban lãnh đạo TKV có nhiều vi phạm, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, dẫn đến không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn. Như đầu tư 76,45 tỷ đồng tại Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin, lỗ lũy kế 140,32 tỷ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả 446,48 tỷ đồng, không còn khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh nợ TKV không có khả năng thu hồi 52,58 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà mất vốn 47,87 tỷ đồng.