Theo đơn kiện từ Facebook, với hành vi chiếm quyền truy cập tài khoản quảng cáo, nhóm 4 người Việt có thể đã gây thiệt hại cho mạng xã hội này 36 triệu USD. Tuy vậy, số tiền này được tính dựa trên giá hiển thị quảng cáo mà mạng xã hội này bán cho các đối tác.
Theo Huỳnh Đông, một người có mạng lưới và kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam, để tiện chi tiêu cho các công ty lớn, Facebook hỗ trợ mua quảng cáo trước, trả tiền sau. Tùy vào lịch sử chi tiêu và tín nhiệm của công ty, Facebook sẽ cho họ những hạn mức tài khoản quảng cáo khác nhau. Có tài khoản được hạn mức lên đến vài triệu USD.
Theo đó, các tài khoản quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn (thường từ nước ngoài) sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, những tài khoản này sẽ được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với "chiết khấu" rẻ hơn.
"Chiết khấu để mua quảng cáo này tại Việt Nam là 5-30%. Giá tiền phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường", ông Đông nói thêm. Nói cách khác, hacker "rửa" số tiền kiếm được bằng việc bán lại cho các shop kinh doanh online.
Sau khi mua lại các tài khoản này, các shop kinh doanh online sẽ dùng nó để chạy các chiến dịch quảng cáo với giá rẻ hơn nhiều so với cách mua quảng cáo thông thường trên Facebook. Chẳng hạn, với một chiến dịch trị giá 100 triệu đồng, các shop kinh doanh online chỉ tốn 30 triệu đồng theo cách trên so với việc trả tiền trực tiếp cho Facebook.
Như vậy, với 36 triệu USD giá trị trong tài khoản quảng cáo chiếm được từ Facebook, hacker thu về từ 1,8-10,8 triệu USD từ các shop bán hàng online, ứng với mức chiết khấu 5-30%.
Hầu hết tài khoản quảng cáo sau khi hack được sẽ thanh lý nhanh nhất có thể để tránh việc Facebook phát hiện. Hệ thống đại lý phân phối cấp dưới sẽ chào mời các shop kinh doanh online với chiết khấu 5-30%. "Có lúc hacker chiếm được nhiều tài khoản, giá chiết khấu sẽ rẻ hơn để thanh lý 'hàng' nhanh hơn", ông Đông cho biết.
Việc gian lận này ảnh hưởng như thế nào?
"Nếu một fanpage sử dụng tài khoản hack sẽ bị Facebook khóa nếu bị phát hiện. Vì vậy, người bán hàng online đàng hoàng sẽ không dùng dịch vụ này. Chỉ các shop chộp giật, lừa đảo, kém chất lượng mới quảng cáo theo cách trên bởi nếu bị Facebook phát hiện và xóa mất trang, họ sẽ tạo mới", ông Đông cho biết.
Ngoài gây thiệt hại cho Facebook, các tài khoản quảng cáo bị hack còn khiến những nhà quảng cáo trên Facebook gặp khó khăn khi quảng bá sản phẩm.
Tài khoản sau khi bị hack được sử dụng để quảng cáo cho các shop online trên Facebook. Trong ảnh là vụ việc fanpage Ivanovic bị hack và bán lại cho một shop kinh doanh quần áo ở Việt Nam. |
“Vì đây là tài khoản bị hack nên mục đích của họ là làm sao để tiêu càng nhiều tiền càng tốt. Một shop kinh doanh rất nhỏ cũng phải chi trên 5 triệu đồng mỗi ngày. Có những shop tôi biết chi đến 500 triệu đồng tiền quảng cáo ‘chùa’ mỗi ngày”, ông Đông nói thêm.
Theo ông Đông, chính vì những tài khoản "voi" này mà giá đấu thầu quảng cáo quá cao, khiến các doanh nghiệp quảng cáo chân chính không thể tiếp cận người dùng một cách hiệu quả.
"Có thời điểm tôi chạy quảng cáo ra một tin nhắn chỉ 10.000 đồng nhưng giờ con số này lên gấp 20 lần. Qua tìm hiểu thì tôi biết mỗi buổi trưa thì các tài khoản invoice sẽ mua quảng cáo. Lúc này, cộng đồng người quảng cáo chân chính sẽ tự tắt quảng cáo để tránh cạnh tranh. NewsFeed không còn chỗ cho nhà quảng cáo đúng luật nữa rồi”, Khánh Đan, chủ Dekat Lingerie, một cửa hàng thời trang nữ tại TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, việc Facebook phải liên tục cập nhật thuật toán, sửa lỗi và siết hạn mức cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm quảng cáo của nhiều thương hiệu.