Khi trí tuệ không phải là tiêu chí số 1

Chuyện cả nhà làm quan gần đây gây bức xúc dư luận bởi vì đó là sự bổ nhiệm không dựa trên tiêu chí tài năng, trí tuệ mà trên những mối quan hệ. Và đằng sau nó là chuyện lạm dụng quyền lực hay nói cách khác là sự tham nhũng về quyền lực, dùng quyền lực để thao túng.

Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu.

Trí tuệ bị gạt ra ngoài

Gần đây chúng ta nói nhiều đến chuyện con ông cháu cha hay cả nhà làm quan với hàm ý xấu. Nhưng trong lịch sử, đó lại là một truyền thống đẹp?

Chuyện con ông cháu cha hay cả nhà làm quan xã hội nào cũng có, không nhiều thì ít ở những mức độ khác nhau.

Lịch sử còn ghi lại những chuyện cả nhà làm quan như một truyền thống đáng để học tập, như thời Nguyễn có Nguyễn Đăng Tuân là cha Nguyễn Đăng Giai, ông của Nguyễn Đăng Hành, ba ông cháu, cha con đều đỗ tiến sĩ, đều làm quan và là những vị quan liêm chính, mẫu mực…

Những gia đình như thế đâu có hiếm, thời nào cũng có. Phải tốt thì người ta mới ghi lại, mới lưu truyền cho hậu thế.

Có gì khác biệt giữa việc làm quan thời phong kiến và bây giờ?

Tiêu chí làm quan của thời phong kiến ở Việt Nam nói chung là phải qua thi cử. Học hành, đỗ đạt mới được bổ nhiệm quan trường. Do vậy, trí tuệ được coi là tiêu chí số 1. Tiến sĩ được bổ làm quan to, rồi mới đến các học hàm khác, chứ không có chuyện cử nhân mà lại làm quan to hơn tiến sĩ được. Tức là có tiêu chí để lựa chọn.

Và cái tiêu chí đó được xã hội phong kiến duy trì từ đời nay sang đời khác, thời này sang thời khác, trở thành chuẩn mực chung của xã hội.

Nay việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, theo những câu vè lưu truyền trong dân gian: nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ, “trí tuệ” từng được xếp ở vị trí thứ tư nhưng rồi nay lại bị gạt ra ngoài. Như thế là không ổn.

Tức là theo tiêu chí của thời phong kiến, chắc chắn sẽ chọn được người tài?

Thời phong kiến, hệ tư tưởng Nho giáo chi phối khá toàn diện xã hội. Bên cạnh mặt hạn chế của nó, thì về quan hệ xã hội có những chuẩn mực nhất định: Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò… không được lộn xộn, kể cả việc thi cử, học hành được duy trì và thành chuẩn mực.

Qua thi cử, các triều đại đã lựa chọn được những người tài, bổ nhiệm trúng người tài để ra gánh vác trách nhiệm, phụng sự chế độ. Nói như Tiến sĩ Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Chế độ nào, xã hội nào mà có nhiều người tài, dùng được người tài thì xã hội đó phát triển.

Quyền lực đã thao túng các mối quan hệ

Có gì liên quan giữa chọn người tài và cả họ làm quan?

Vấn đề là ở chỗ, một người đỗ đạt, được bổ làm quan rồi thì người ấy ngoài trách nhiệm gánh vác với xã hội còn có trách nhiệm với gia đình, dòng tộc.

Người làm quan, bên cạnh việc rất hiểu đạo làm quan, có cách hành xử chuẩn mực, còn có ý thức trách nhiệm với việc giáo dục, dạy dỗ con cháu tiếp tục truyền thống khoa bảng của gia đình. Và thi đỗ thì việc bổ nhiệm làm quan là đương nhiên.

Không nói ở thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến, thời hưng thịnh thì chuẩn mực đó luôn được được tôn trọng. Và điều đó đã góp phần hình thành nên một tầng lớp trí thức thời phong kiến, có đủ phẩm hàm, đức độ, đảm nhiệm trên các vị trí quan trường, phục vụ dân tộc.

Còn ngày nay, thi là một chuyện, còn bổ nhiệm lại là một câu chuyện khác, nhiều khi chẳng liên quan đến tài năng, trí tuệ mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác?

Gần đây báo chí nêu ra, bao nhiêu tỉnh, thành có tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan. Đấy là thống kê chưa đầy đủ, chứ còn nhiều bởi ai cũng thấy nó đã trở thành vấn nạn.

Tất nhiên, không phải mọi trường hợp cả nhà làm quan đều xấu. Rất nhiều gia đình, con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, được bổ nhiệm những chức vụ cao và đảm đương được. Nhưng, nếu bổ nhiệm không căn cứ vào trí tuệ mà chỉ vì những quan hệ kia thì rất nguy hiểm vì không chọn được người tài.

Bổ nhiệm không trúng thì không những không tạo ra một lớp trí thức có tâm, có tầm, mà còn tạo ra những hệ lụy, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước.

Nhưng khi kiểm tra quy trình bổ nhiệm thì ở đâu cũng đúng quy trình?

Vâng, vậy thì phải đặt ra câu hỏi: Tại sao đúng quy trình mà lại thành ra như thế. Và phải xem lại quy trình. Có phải quy trình đó được thực hiện bởi sự tác động của quyền lực. Quyền lực đã thao túng, đã chi phối các mối quan hệ mà chúng ta gọi là tham nhũng quyền lực.

Trong một tổ chức, tất cả cấp dưới đều tuân thủ răm rắp cấp trên. Có khi người đứng đầu chưa kịp đặt vấn đề bổ nhiệm con mình, cháu mình, đồ đệ đã xung phong làm. Bởi đó là sự ràng buộc về quyền lực và lợi ích. Đồ đệ muốn làm điều gì đó lấy lòng, cung phụng cấp trên. Do đó, vấn đề bổ nhiệm vẫn đúng quy trình nhưng thực tế quy trình đó được thực hiện do sự chi phối của quyền lực ở các khía cạnh khác nhau, trong mối quan hệ đan xen phổ biến vô cùng phức tạp.

Phải giám sát thực sự

Cái câu nói Hiền tài là nguyên khí của quốc gia vẫn được nhắc đến, nhưng lại không làm được?

Cái câu đó được tạc vào đá, đặt ở Quốc Tử Giám. Hằng ngày chúng ta vẫn đề cao, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. Giương lên cho yên tâm để mọi người tưởng thế mà không phải thế.

Thực tế là, rất nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ có thể có kết quả học tập cao, vẫn phải chịu thất nghiệp hoặc làm thuê, không được đứng trong đội ngũ làm “nguyên khí của quốc gia”. Hay có chuyện bổ nhiệm nhanh, bổ nhiệm thần tốc cho kịp ông hoặc cha chuẩn bị về hưu…

Đó cũng là cái bệnh nói một đằng làm một nẻo?

Chúng ta vẫn kêu gọi những người đi học nước ngoài trở về, nhưng lại sinh ra vấn đề đãi ngộ, vấn đề này khác nên không đáp ứng được cuộc sống cho họ. Mà quan trọng hơn là các vị trí này vị trí kia đã được các quan chức gài hết con cháu cả rồi, không còn chỗ nào mà vào nữa.

Ông có tin rằng mọi thứ rồi sẽ phải được đặt vào đúng vị trí của nó. Người tài rồi sẽ phải được trọng dụng?

Không thể nói là không tin được.Nhà Trần đã có những lúc suy vi, nhưng rồi đến nhà Lê lại xốc lại được. Bây giờ có thể chưa, nhưng đến một lúc nào đó người ta thấy hiện trạng này quá mệt mỏi rồi thì buộc phải bằng mọi cách xoay về đúng quỹ đạo.

Bây giờ đã là lúc quá mệt mỏi rồi không?

Bây giờ cũng đang mệt mỏi rồi. Suốt ngày mở mạng ra là thấy những thông tin ở nơi này nơi kia hết ông này bổ nhiệm con lên, ông kia bổ nhiệm cháu lên… ai cũng biết mà không ai dám nói vì bị chi phối bởi quyền lực. Không biết căn nguyên đó từ đâu mà ra, chỉ biết nó đã sầm sập vào từng nhà. Đến cả tổ dân phố bầu bán cũng có vấn đề quyền lực… Càng tìm hiểu kỹ, càng thấy phải suy nghĩ.

Theo ông phải làm thế nào để kiểm soát được quyền lực?

Phải có quy chế giám sát.

Vẫn có quy chế và các cơ quan giám sát đấy chứ?

Phải đẩy mạnh giám sát thực sự. Chứ nếu cứ yên tâm có quy chế rồi, có giám sát rồi nhưng giám sát không thực tế, kiểm tra không thực tế, chủ yếu là hành chính, quan liêu thì không mấy hiệu quả mà còn làm người ta nhờn đi, coi thường kỉ cương, phép nước.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top