Khi nào lãi suất cho vay giảm?

(khoahocdoisong.vn) - Với mục tiêu đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất giai đoạn hiện nay, chỉ trong vòng 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thể hình thành mặt bằng lãi suất cho vay mới.

Định hướng giảm

Như KH&ĐS đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm một loạt các loại lãi suất điều hành bao gồm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Đặc biệt hơn, trần lãi suất áp dụng với tiền gửi dưới 1 tháng cũng được giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ.

“Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay một cách bền vững trong thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế”, ông Hà chia sẻ.

Ngay sau quyết định trên, biểu niêm yết lãi suất huy động dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại đồng loạt thay đổi. Thậm chí, so với mức trần quy định mới, nhiều ngân hàng thương mại còn điều chỉnh sâu hơn, có nơi xuống dưới 4%/năm.

Cụ thể, tại VPBank, khách hàng được hưởng lãi suất 3,95%/năm cho kỳ hạn 3 - 5 tháng, trường hợp gửi cùng kỳ hạn với số tiền trên 3 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất 4,2%/năm.

Mức lãi suất được áp đúng theo trần 4,25%/năm của phía nhà điều hành xuất hiện tại nhiều ngân hàng như Sacombank, ACB, SHB, BaoVietBank, VIB… Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn trần quy định và thấp nhất hệ thống.

Cũng thể hiện định hướng hỗ trợ thanh khoản để ngân hàng thương mại giảm lãi suất, thông qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng trả lại thị trường lượng tiền lớn. Hiện khối lượng tín phiếu lưu hành chỉ còn 41.000 tỷ đồng, trong khi chỉ vài tuần trước đó vẫn duy trì ở mức 147.000 tỷ đồng, tương đương bơm ròng 106.000 tỷ đồng.

Do đó, tại phiên ngày 21/5, lãi suất chào bình quân VND liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh 0,11 - 0,21 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên liền trước. Lần lượt mức lãi suất dừng ở qua đêm 0,46%; 1 tuần 0,66%; 2 tuần 0,93% và 1 tháng 1,56%.

Sẽ có độ trễ

Theo số liệu mới nhất, tín dụng đến hết tháng 1 chỉ tăng 0,1% so với đầu năm; tháng 2 tăng 0,07%; tháng 3 tăng 1,1%; tháng 4 tăng 1,42% và với trung tuần tháng 5 lại giảm xuống còn 1,2%. Trong khi tháng 5/2019 vẫn giữ ở mức 5,74%.

Với loạt hành động từ phía Ngân hàng Nhà nước cùng việc tăng trưởng tín dụng tăng chậm, ông Lê Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco) cho rằng, ngành ngân hàng nên thành lập một mặt bằng lãi suất cho vay mới.

“Doanh nghiệp hiện phải vay vốn với lãi suất lên đến 9 - 10%/năm. Chi phí này được cộng vào đơn giá các mặt hàng sẽ khiến doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh về giá khi xuất khẩu. Vì vậy, ngân hàng nên duy trì mức lãi suất ổn định khoảng 6,5%/năm” - ông An mong muốn.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Taxi Mai Linh cũng đề nghị các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6%/năm trong 2020 và không quá 9%/năm trong 2021.

Hai ý kiến trên phần nào phản ánh được mong muốn của đa số các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, họ không biết rằng, vốn huy động từ thị trường 1 (từ dân chúng, các tổ chức kinh tế) đang có xu hướng giảm nên ngân hàng chưa dám mạnh tay giảm lãi suất cho vay.

Thực tế, lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng không có nhiều thay đổi. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, huy động vốn đầu vào của các ngân hàng trung bình đang ở mức 6 - 6,5%/năm. Với giá vốn cao như vậy, việc đưa lãi suất về mặt bằng mới như mong muốn của doanh nghiệp có thể coi là việc rất khó.

Ngoài ra, ở thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), thông thường lãi suất liên ngân hàng sẽ nằm trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất cho vay cầm cố (OMO). Tính từ đầu năm, lãi suất liên ngân hàng thậm chí còn rơi sâu dưới ngưỡng lãi suất tín phiếu. Hay nói cách khác, thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào, nhu cầu vốn vẫn đang được các ngân hàng tự đáp ứng. Tức việc hạ lãi suất thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu sẽ chưa tác động nhiều đến việc giảm chi phí.

Như vậy, xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ chưa thể hiện rõ, tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn sẽ giảm.

Được biết, mới đây thay vì chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, Vietcombank đã có quyết định sẽ hỗ trợ 85.000 khách hàng cá nhân đang vay vốn phục vụ đời sống với quy mô là 64.000 tỷ đồng. Cụ thể, giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống tại thời điểm trước khi triển khai chương trình này. Đây được xem làm làn sóng mới trong việc giảm lãi suất cho vay tiêu dùng.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top