Khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng hơn 1200 biệt thự ở Hà Nội

Việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng được ưu tiên với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác, xây dựng từ trước năm 1954, thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.

Theo đó, mục đích của việc khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ các biệt thự và một số công trình kiến trúc khác để xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm, có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành. Việc khảo sát, đánh giá chất lượng cũng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhiều năm để hoang. - Ảnh: hanoi.gov

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhiều năm để hoang. - Ảnh: hanoi.gov

Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng 1.216 biệt thự (theo danh mục biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 ban hành kèm theo Quyết định số 1845/QĐ- UBND ngày 2/6/2022 của UBND TP) và một số công trình kiến trúc khác được thực hiện theo quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng tại Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016.

Hiện trên địa bàn thành phố có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng được ưu tiên với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác, xây dựng từ trước năm 1954, thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý để phục vụ kế hoạch của UBND thành phố về bảo tồn, chỉnh trang theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy theo tiêu chí: Đã được đánh giá xếp nhóm 1, nhóm 2; thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không được bán, hiện Nhà nước quản lý, sử dụng; các biệt thự, công trình kiến trúc khác có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; các biệt thự, công trình kiến trúc khác đang sử dụng làm trụ sở, các đại sứ quán; các biệt thự, công trình kiến trúc khác xuống cấp, chưa được cải tạo, sửa chữa (khoảng 3-5 năm).

UBND thành phố khuyến khích các chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí đánh giá, kiểm định chất lượng công trình. Ảnh minh họa- Ảnh: báo người đô thị.

UBND thành phố khuyến khích các chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí đánh giá, kiểm định chất lượng công trình. Ảnh minh họa- Ảnh: báo người đô thị.

Sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định biệt thự và công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954, thành phố sẽ đầu tư kinh phí để chỉnh trang, bảo tồn các công trình do thành phố quản lý.

Thành phố thông báo kết quả, danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm do Trung ương quản lý hoặc các tổ chức, cá nhân khác đã được khảo sát bằng phương pháp chuyên gia, xác định là biệt thự và khuyến nghị các cơ quan Trung ương sớm bố trí kinh phí để kiểm định chi tiết chất lượng biệt thự, từ đó có giải pháp, phương án chỉnh trang, bảo tồn biệt thự./.

Danh mục 24 biệt thự cũ ưu tiên kiểm định gồm:

Biệt thự tại số 10 Điện Biên Phủ; 26 Điện Biên Phủ; 17 Điện Biên Phủ; 71 Quán Thánh; 34 Phan Đình Phùng; 42 Quang Trung; 46 Trần Hưng Đạo; 51 Lý Thái Tổ; 62 Phan Đình Phùng; 12 Nguyễn Chế Nghĩa; 63 Bà Triệu; 5 Lê Phụng Hiểu – 20 Tôn Đản; 67 Bà Triệu; 135 Phùng Hưng; 80 Nguyễn Du; 54 Nguyễn Du; 172 Bà Triệu; 36 – 38 Tăng Bạt Hổ; 28D Điện Biên Phủ; 83 Quán Thánh; 97 Quán Thánh; 12 – 14 Phan Đình Phùng; 36 Ngô Quyền; 55D Hàng Bài.

8 công trình kiến trúc khác ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội mới, số 44 Lê Thái Tổ; Tháp nước Hàng Đậu; Trụ sở công an thành phố, 87 – 89 Trần Hưng Đạo; Cột cờ Hà Nội, số 28B Điện Biên Phủ; Trường PTTH Phan Đình Phùng, 30 Phan Đình Phùng; Trường THPT Chu Văn An, số 10 Thuỵ Khuê; Trường THPT Trần Phú, số 8 Hai Bà Trưng; Trường THPT Việt Đức, số 47 Lý Thường Kiệt.

Theo Đời sống
back to top