Khẩn cấp ứng phó với bão số 9

(khoahocdoisong.vn) - Bão số 9 được dự báo là cơn bão cực lớn với mức báo động đỏ đổ bộ vào khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải sản xuất bản tin cảnh báo bão với tần suất 1h/bản tin.

Phát tin khẩn cấp báo động đỏ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 26/10, cơn bão có tên quốc tế là  Molave đã đi vào Biển Đông, đây là cơn bão số 9 trong năm 2020. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã ban hành bản tin khẩn cấp về bão số 9 vì theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong 24 - 48 giờ thì phải phát tin bão khẩn cấp. Các phân tích, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, bão số 9 sẽ di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ đêm 27/10.  

Bão số 9 với cường độ rất mạnh cấp 12 - 13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10m trên biển Đông. Không chỉ dự báo của Việt Nam mà những dự báo trên thế giới đều cho kết quả dự báo sóng cao. Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung bộ, độ cao sóng ít suy giảm với lý do đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn, và dốc nên mức độ làm giảm sóng do ma sát ít. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình – Phú Yên sóng cao 4 - 7m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6 - 8m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11 - 12.

Điều đáng nói, do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước nước dâng do bão từ 0,5 - 1,5m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Từ đêm 27/10 - 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28 - 31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500 - 700mm/đợt. Ngoài ra, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Nguy cơ từ các hồ chứa, mỏ khai thác khoáng sản

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 sẽ gây nên tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra trên diện rộng. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra ở vùng núi các tỉnh Trung bộ, Bắc Tây Nguyên các tỉnh lộ, quốc lộ đi qua các địa phương nói trên. Đặc biệt lưu ý khu vực huyện Tây Giang (Quảng Nam), khu vực đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum. Nguy cơ cao mất an toàn các hồ chứa vừa và nhỏ. Đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đang xây dựng. Cần đặc biệt lưu ý 4 mỏ khai thác than, khai thác vàng, titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi; các mỏ khai thác Bauxit khu vực Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Các khả năng tác động của mưa giông, gió giật và sóng lớn do bão số 9 tới các lĩnh vực khác như các tuyến hàng hải: Đà Nẵng – Hoàng Sa, Cửa Việt - Cồn Cỏ, Cửa Đại - Cù Lao Chàm, Sa Kỳ - Lý Sơn, Lý Sơn - Cù lao Bờ; Cảng Quy Nhơn, cảng Phan Thiết-Phú Quý. Các cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền: Các cảng Sa Kỳ, Lý Sơn, Cảng Quy Nhơn, cảng Phan Thiết. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên rủi ro cao đến lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, chòi canh, các khu du lịch ven biển do gió mạnh và sóng lớn.

Gió mạnh và sóng lớn có nguy cơ cao phá hủy, gây sạt lở các đê, kè, các công trình ven biển và các đê cửa sông đang thi công trên toàn tuyến từ khu vực Hà Tĩnh - Phú Yên. Khu vực trũng ven biển như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cần lưu ý ngập do nước biển dâng kèm theo sóng lớn. Riêng khu vực đầm phá thuộc Thừa Thiên - Huế nước biển dâng có thể đi sâu trong đất liền hàng kilomet.

Bão số 9 có thể gây gió mạnh cấp 11 - 12 giật cấp 14 vùng biển ven bờ và đất liền ven biển. Tốc độ gió này có thể gây nguy hiểm đối với các công trình đang xây dựng, nhà cấp 4, nhà không kiên cố, cơ sở hạ tầng ven biển… ở các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Phú Yên.    

Theo Đời sống
back to top