Khám sức khỏe tiền hôn nhân cần làm những gì?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp hạn chế nguy cơ hiếm muộn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát hiện sớm các bệnh lý di truyền...qua đó bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân nhiều người không biết

BSCKII Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một số bạn trẻ nghĩ rằng sức khỏe bình thường, không có ốm đau, bệnh tật nên không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân vì nghĩ mình không có vấn đề gì.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cần làm những gì? ảnh 1

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cần làm những gì?

Lợi ích việc khám tiền hôn nhân mang lại

- Là khám sức khỏe trước khi mang bầu, kiểm tra khả năng thụ thai cũng như những bất thường và nguy cơ xấu có thể xảy ra trong quá trình thai nghén- Bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn vấn đề sức khỏe, lựa chọn thời điểm mang thai và chuẩn bị sức khỏe, dinh dưỡng để sinh con khỏe mạnh.

- Khám trước mang thai giúp tăng tỷ lệ thụ thai thành công, giảm các nguy cơ xấu: sảy thai, con mắc bệnh di truyền từ bố mẹ,…

Nhưng thực tế, nhiều trường hợp sau khi bác sĩ khám cho các bạn có khi lại tìm ra một loạt vấn đề tồn tại của sức khỏe. Nhiều khi sự chủ quan này sẽ tước đi cơ hội có một sức khỏe bình thường cho đứa con, để lại một sự thiệt thòi cho đứa trẻ, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong quá khứ, các đôi vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện bạn đời nhiễm bệnh lây qua đường tình dục không hiếm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hiếm muộn tại Việt Nam đang gia tăng mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, bế tắc trong cuộc sống.

BSCKII Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đơn vị này tiếp nhận khoảng 3.000-4.000 ca hiếm muộn mỗi tháng.

BSCKII Nga nhận định: "Để giảm thiểu tình trạng này, khám sức khỏe tiền hôn nhân là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất".

Vai trò quan trọng nhất của khám sức khỏe tiền hôn nhân là hạn chế tỷ lệ hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Với kết quả kiểm tra, các bác sĩ có thể đánh giá cụ thể khả năng sinh sản của chồng và vợ.

"Nếu có vấn đề bất thường trong sức khỏe sinh sản, các cặp vợ chồng sẽ được biết sớm khúc mắc ở đâu, qua đó nhờ bác sĩ tư vấn và can thiệp kịp thời. Điều này trực tiếp khiến thời gian có con ngắn hơn sau khi bước vào cuộc sống hôn nhân", bác sĩ Nga nói.

Tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"Tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Khám tiền hôn nhân gồm những gì?

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga, chúng ta có thể khám sức khỏe tổng quát định kỳ ở mọi giai đoạn của cuộc đời, tuy nhiên khám tiền hôn nhân là bước đệm cực kỳ quan trọng khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

Lúc này bạn muốn hiểu về sức khỏe sinh sản của cả hai, từ đó có các biện pháp dự phòng trong trường hợp phát hiện bất thường.

Không chỉ sức khỏe sinh sản, bạn còn cần tìm hiểu về khả năng con mắc bệnh lý di truyền từ bố mẹ. Rất nhiều trường hợp bố mẹ hoàn toàn khỏe mạnh lại sinh ra em bé bị dị tật bẩm sinh như Thalassemia (tan máu bẩm sinh), thoái hóa cơ tủy, loạn dưỡng cơ,... Điều này gây tâm lý lo lắng cho các cặp đôi có ý định sinh con.

Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn cho cặp vợ chồng tới khám sức khỏe tiền hôn nhân

Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn cho cặp vợ chồng tới khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, những điều cần phải làm gồm:

Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của cả hai bạn, tầm soát toàn diện chức năng cơ quan trong cơ thể như: gan, hệ tuần hoàn, tuyến giáp, thận,...; phát hiện bệnh nguy hiểm tiềm ẩn để có biện pháp điều trị.

Kiểm tra sức khỏe sinh sản: Đối với nữ giới, những viêm nhiễm phụ khoa sẽ dẫn tới khó có thai, khi có thai tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của thai nhi. Các bất thường như polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, dị dạng tử cung,... điều trị đơn giản hơn rất nhiều so với việc phát hiện trong thai kỳ.

Đối với nam giới, có rất nhiều lý do khiến vô sinh như: yếu sinh lý, tinh dịch không có tinh trùng, chất lượng tinh trùng không tốt... Thực tế, tỷ lệ vô sinh ở nam giới không kém hơn nữ giới.

Khám tiền hôn nhân đặc biệt giúp kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng.

Tư vấn tiêm phòng trước khi mang thai: Mang thai đồng nghĩa với việc hệ thống miễn dịch của bạn sẽ yếu hơn bình thường. Tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất giúp thai nhi tránh khỏi các bệnh nguy hiểm. Thông qua khám tiền hôn nhân, bạn sẽ được tư vấn các mũi tiêm cần thiết.

Tư vấn các biện pháp tránh thai khi chưa có kế hoạch sinh con: Nếu bạn dự định một thời gian sau mới có con, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp tránh thai hiệu quả, giúp kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con tốt nhất.

Sàng lọc bệnh di truyền: Bên cạnh việc thăm khám, hai bạn cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm kiểm tra bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm để ngăn ngừa nguy cơ lây lan sang con cái hoặc vợ/chồng. Trong số các bệnh lý di truyền phổ biến, Thalassemia - tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền có tỷ lệ người mang gen cao nhất. Khi bố và mẹ là người lành mang gen bệnh, xác suất con sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh thực sự là 25%.

Quy trình khám tiền hôn nhân

- Đối với nam giới: Khám nam học: bác sĩ thăm hỏi bệnh và khám lâm sàng; Siêu âm tinh hoàn; Xét nghiệm tinh dịch đồ (thời gian kiêng giao hợp 2-7 ngày); Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng; Xét nghiệm nội tiết (khi kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bất thường); Các xét nghiệm cơ bản: huyết học, đông máu cơ bản, sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu; Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến: viêm gan B, HIV, giang mai, lậu, Chlamydia,...; Nhiễm sắc thể đồ: sàng lọc bất thường di truyền mức độ nhiễm sắc thể; Khác: điện di huyết sắc tố,...

Đối với nữ giới: Bác sĩ thăm hỏi bệnh và khám lâm sàng; Siêu âm phụ khoa; Xét nghiệm các bệnh lây qua đường TD phổ biến: viêm gan B, HIV, giang mai, lậu, Chlamydia, HPV; Xét nghiệm nội tiết (vào ngày 2-3 của chu kỳ); Các xét nghiệm cơ bản: huyết học, đông máu cơ bản, sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu; Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cho thai kỳ: Rubella virus, Cytomegalo virus, Toxoplasma;Tư vấn tiêm phòng trước khi mang thai; Nhiễm sắc thể đồ; Khác: điện di huyết sắc tố,...

Nếu kết quả nhận định ở nam và nữ hồng cầu nhỏ, nhược sắc nghi ngờ mang gen Thalassemia, bạn được làm xét nghiệm phân tích gen để chẩn đoán xác định mang gen bệnh hay không.

Thực hiện sàng lọc các bệnh lý di truyền chính xác: Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia α - β, bệnh thoái hóa cơ tủy, bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, bệnh máu khó đông hemophilia A - B,...

Theo Đời sống
back to top