Khách hàng đã sập bẫy mua đất dự án của Công ty Phi Long như thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Dù chưa hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch mới theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long) đã tự vẽ nhiều bản đồ để huy động vốn từ hàng trăm khách hàng.

Một lô đất bán cho nhiều người

Ông N.H.T. (ngụ tại quận 6, TPHCM) cho biết, gia đình ông đã mua 3 lô đất tại dự án Nam - Nam Sài Gòn từ chủ đầu tư là Công ty Phi Long và do Công ty Amasco (nay là Công ty An Đại Việt) cách đây gần 15 năm với giá trị gần 2 tỷ đồng/lô. Khi chọn mua, ông được Công ty Phi Long cho xem bản đồ chi tiết 1/500, thông tin dự án... Vì tin tưởng nên ông đã chuyển 90% số tiền (hơn 5 tỷ đồng) với hy vọng sẽ có đất xây nhà. Nhưng giờ đây ông chỉ biết đứng nhìn bất lực, vì lô đất gần như không còn thuộc về mình.

Nhiều gia đình khác là nhân viên của Công ty An Đại Việt cũng lâm vào tình cảnh khốn cùng vì dự án này. Cụ thể, như bà T.T.T. được chính công ty của mình giới thiệu là “Công ty đang phối hợp với chủ đầu tư là Công ty Phi Long có bán dự án đất nền ưu đãi dành cho nhân viên”. Nghe lời dỗ ngọt, gia đình bà T. đã gom góp để hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đóng tiền với hy vọng 1 năm sau có thể xây nhà. Thế nhưng, sau nhiều năm chờ đợi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa thấy đâu thì đến năm 2018, mảnh đất của bà đã bị đổi số lô từ B1-19 sang B8-19 và bị chính chủ đầu tư là Công ty Phi Long bán cho người khác.

Để bảo vệ tài sản của mình, nhiều người mua đất dự án Nam - Nam Sài Gòn đã viết dưới nền bê tông dòng chữ: "Đất đã có chủ", đồng thời gửi đơn thư, cầu cứu khắp nơi… Thế nhưng, đòi lại tiền hay đòi đất là điều không hề dễ. Bởi cho đến nay, qua rất nhiều cuộc làm việc, người dân chỉ nhận được sự trốn tránh trách nhiệm và những lời hứa suông từ Công ty Phi Long, Công ty An Đại Việt.

Mới đây, nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án Nam - Nam Sài Gòn đã kéo đến trước UBND TPHCM tố cáo Công ty Phi Long lừa đảo, đồng thời đã cấu kết với Công ty An Đại Việt lừa đảo, bán đất trái pháp luật, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nam - Nam Sài Gòn do Công ty Phi Long làm chủ đầu tư từng được phê duyệt quy hoạch 1/500 từ năm 2002. Tuy nhiên sau đó, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch.

Đến năm 2005, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Phi Long điều chỉnh quy hoạch và hủy bỏ quy hoạch cũ đã được duyệt. Sở Quy hoạch - Kiến trúc yêu cầu Công ty Phi Long hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch mới để được phê duyệt 1/500.

Nhưng công ty này không thực hiện theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, mà tự ý vẽ ra nhiều bản đồ chưa được bất cứ một cơ quan chức năng nào phê duyệt, để huy động vốn từ khách hàng qua những hợp đồng góp vốn đầu tư.

Để bảo vệ tài sản của mình, nhiều người mua đất dự án Nam - Nam Sài Gòn đã viết dưới nền bê tông dòng chữ “Đất đã có chủ”.

Để bảo vệ tài sản của mình, nhiều người mua đất dự án Nam - Nam Sài Gòn đã viết dưới nền bê tông dòng chữ “Đất đã có chủ”.

Cơ quan Công an vào cuộc

UBND huyện Bình Chánh khẳng định, đến nay dự án chưa có quy hoạch 1/500, nhưng qua kê khai của địa phương đã có tới 280 khách hàng “sập bẫy” mua nền đất trên giấy của Công ty Phi Long. Không những vậy, Công ty Phi Long đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, công ty này đã san lấp và xây dựng 1 trụ sở văn phòng với gần 1.000m2 diện tích sàn, xây dựng nhà ở, tường rào… Ngày 20/12/2019, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định số 899/QĐ-KPHQ, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Phi Long do có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, Công ty Phi Long đã có đơn khiếu nại, đề nghị UBND huyện Bình Chánh thu hồi quyết định nêu trên và Công ty Phi Long cũng chưa chấp hành khôi phục lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm.

Vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan liên quan đến việc xử lý vi phạm của Công ty Phi Long tại dự án thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Cụ thể, UBND TPHCM giao huyện Bình Chánh yêu cầu Công ty Phi Long tự tháo dỡ các công trình xây dựng không phép tại dự án nói trên. Trường hợp không thực hiện sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Đồng thời, UBND TPHCM cũng giao huyện Bình Chánh tổ chức cho người dân mua đất của Công ty Phi Long kê khai, qua đó nắm thông tin về việc tố cáo hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này để có cơ sở tham mưu trình thành phố giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân mua đất tại dự án này.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, hiện trên địa bàn TPHCM, Công ty Phi Long có 7 dự án và hầu hết đều triển khai rất chậm. Sở đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM tiến hành thanh tra để xác định các vi phạm của chủ đầu tư, làm cơ sở để thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất.

Trước thực trạng trên, UBND TPHCM đã giao Thanh tra TPHCM rà soát, thanh tra toàn diện các dự án do Công ty Phi Long đang triển khai tại TPHCM. Báo cáo đề xuất UBND TPHCM xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định giao đất nếu vi phạm pháp luật.

Liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư và bán đất nền tại các dự án ở huyện Bình Chánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho biết, đơn vị đang thụ lý đơn của 3 doanh nghiệp và tập thể tố cáo Công ty Phi Long. Các dự án của Công ty Phi Long bị tố cáo gồm: Dự án Khu dân cư Phi Long 5 và dự án Khu dân cư Hải Yến tại xã Bình Hưng; dự án Khu dân cư Huy Hoàng và dự án Khu dân cư Nam Sài Gòn tại xã Phong Phú.

Quá trình điều tra bước đầu, Công an TPHCM xác định ông Phạm Xuân Long (SN 1959, ngụ tại phường 6, quận Gò Vấp) là chủ sở hữu 4 dự án nói trên. Tuy nhiên, do ông này không có mặt tại địa chỉ thường trú nên cơ quan cảnh sát điều tra ra thông báo truy tìm để làm rõ các nội dung tổ chức, cá nhân tố cáo.

Theo Đời sống
Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi là thiết bị gia dụng được nhiều gia đình tin dùng hiện nay, giúp tiêu diệt muỗi và côn trùng hiệu quả. Nhiều loại đèn bắt muỗi “giá rẻ giật mình” được bày bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng hoang mang.
back to top