Khách hàng bị trộm tiền, năng lực quản lý của ngân hàng có yếu kém?

Luật sư cho rằng, nếu hệ thống quản lý, bảo mật của Ngân hàng Agribank mà tuyệt đối an toàn, tốt thì không thể nào dẫn đến hậu quả hàng trăm khách hàng bị trộm tiền.

Dư luận vẫn đang vô cùng hoang mang sau vụ hơn 10 nhân viên của một cơ quan có trụ sở ở Hàng Trống (Hà Nội) trong đêm 25/4 bị hacker rút trộm tiền khỏi tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) với số tiền từ 10 -24 triệu đồng/người. Điều cực kỳ “sốc” khi đại diện ngân hàng Agribank công bố thêm thông tin rằng, dù đã thông báo khóa tài khoản nhưng vẫn bị mất tiền bởi số lượng thẻ bị hack tương đối nhiều, khoảng 400 người nên không thao tác kịp.

Tuy nhiên phía ngân hàng cho biết, họ đã làm việc với những khách hàng bị trộm tiền và cam kết bồi hoàn số tiền bị rút trước đó.

Khoảng 400 tài khoản của ngân hàng Agribank bị hacker trộm tiền trong đêm 25/4. Ảnh minh họa.

Nhìn nhận về hình thức tấn công trên, một số chuyên gia an ninh mạng Việt Nam cho rằng đây có thể là một cách thức tấn công mà hacker đã cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thông tin của chủ tài khoản ở cây ATM. Hành động của kẻ gian đã có sự chuẩn bị sẵn từ trước, và ngay khi trộm được thông tin của chủ thẻ hacker đã tạo thẻ ATM giả rồi chờ đợi sự sơ hở của ngân hàng Agribank và chủ thẻ mới bắt đầu tấn công. Bởi theo như các thông tin đăng tải thì thời điểm tiền của các nạn nhân bị hack trộm tiền thẻ ATM vẫn còn trong tay mình, sự việc diễn ra trong đêm tối lúc này ngân hàng không còn làm việc.

Trong khi đó, nhìn nhận về góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với vụ việc xảy ra người chịu thiệt hại là cả Ngân hàng Agribank và chủ thẻ. Trong đó, Ngân hàng Agribank thì bị tiết lộ hệ thống quản lý khối trụ ATM của mình, còn chủ thẻ bị mất tiền.

Theo luật sư Hòe, thì trường hợp này Ngân hàng Agribank không có lỗi cố ý mà người cố ý gây ra vụ việc là nhóm tội phạm công nghệ cao đã xâm nhập vào các tài khoản để ăn trộm tiền. Do vậy, Ngân hàng Agribank không phải bồi thường, nhưng để buộc nhóm tội phạm công nghệ cao phải chịu trách nhiệm buộc cơ quan công an phải điều tra, bắt giữ nhóm tội phạm. Tuy nhiên không thể đổ hết lỗi cho nhóm tội phạm công nghệ cao, mà trong trường hợp này Ngân hàng Agribank đã để xảy ra lỗi ở khâu quản lý nhà nước và lưu thông tiền tệ. Nếu hệ thống quản lý, bảo mật của Ngân hàng Agribank mà tuyệt đối an toàn và tốt thì không thể nào dẫn đến hậu quả hàng trăm khách hàng bị mất trộm tiền trong đêm như vậy.

“Tôi lấy ví dụ, trước đó ở một ngân hàng khác có cán bộ của ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách hàng, sau đó ngân hàng buộc phải ứng ra một khoản tiền để trả lại cho người gửi đây là lỗi cố ý. Tuy nhiên, đối với trường hợp khoảng 400 người bị hacker tấn công ở ngân hàng Agribank nói trên thì ngân hàng không thuộc lỗi cố ý, mà đây là lỗi cố ý của nhóm tội phạm công nghệ cao”, luật sư Hòe nói.

Luật sư Hòe cho rằng, sau vụ việc xảy ra người gửi tiền ở Ngân hàng Agribank có quyền lựa chọn một ngân hàng khác để chuyển tiền của mình sang đó, và thực hiện việc giao dịch để đảm bảo an toàn hơn. Đồng thời nên cẩn trọng và bảo mật tuyệt đối các thông tin cá nhân, tài khoản của mình trong mọi trường hợp.

Theo Mạnh Hưng (Kiến Thức)

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top