1 – Thưa TS Mai Liêm Trực, là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Internet vào Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về việc kết nối giữa Việt Nam và thế giới hiện nay?
Thực ra nếu không có kết nối Internet Việt Nam chúng ta không thể hội nhập quốc tế hoặc liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Nói như một vị bộ trưởng phát biểu trước Quốc hội là “không có Internet Việt Nam thì chơi với ai, sống với ai”.
Đứng về cơ sở hạ tầng của kết nối Internet thì hiện nay chúng ta đã có hạ tầng băng thông rộng tốc độ cao và công nghệ tương đương các nước. Chúng ta có hơn 50 triệu người dùng Internet với thời lượng 4 – 5h/ngày. Internet đã tác động rất mạnh đến toàn bộ các hoạt động về kinh tế, văn hoá, xã hội kể cả an ninh quốc phòng.
Internet đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, cách giao tiếp, học tập, nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí, làm ăn, buôn bán trên mạng. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực không thể hoạt động khi không có Internet, thí dụ ngân hàng, hàng không, viễn thông, hải quan, kho bạc, báo chí…
Internet đã đóng góp cho quá trình đổi mới của đất nước. Tôi nhớ khi tôi thay mặt Ban giải pháp quốc gia Internet công bố Việt Nam kết nối Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997 thì rất nhiều phóng viên các hãng thông tấn lớn của phương Tây đến dự.
Tôi nhận ra rằng, không phải họ đến để nắm về vấn đề nghiệp vụ Internet mà họ đến để “bắt mạch” xem Việt Nam có quyết tâm mở cửa hay không, quyết tâm hoà nhập thế giới hay không. Kết nối Internet đã làm yên lòng các nhà đầu tư, các đối tác thương mại của Việt Nam, vào làm ăn tại Việt Nam.
Khi bắt đầu kết nối Internet, tuy số lượng người dùng còn ít nhưng có tác động rất mạnh, và nó được coi như một sự khẳng định, cam kết của Việt Nam đối với thế giới rằng chúng ta mở cửa và hội nhập thế giới.
Suốt 20 năm qua, Internet không những để kết nối, phát triển kinh tế xã hội mà còn là một nền tảng cho một số ngành công nghiệp và dịch vụ CNTT Việt Nam phát triển, giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trên nền tảng Internet để tạo GDP, nâng cao năng suất lao động, triển khai chính phủ điện tử, thương mại điện tử…
2 – Cách đây 20 năm khi nói tới việc Việt Nam kết nối Internet với thế giới, rõ ràng có những lo ngại về an ninh thông tin. Ở thời điểm đó ông đã cho rằng, kết nối Internet cũng giống như việc bước vào xa lộ, trên xa lộ thì có cả người tốt lẫn kẻ xấu cùng đồng hành. Nhận định này của ông đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị?
Nhận định trên đúng là còn nguyên giá trị nhưng những cái xấu cũng lớn lên và cái tốt cũng lớn lên rất nhiều. Ngày nay internet không những là một xa lộ mà internet bổ sung cho nhân loại một không gian sống mới, một môi trường sống mới. Đó là cuộc sống của thế giới số Digital World. Đó là cuộc sống online.
Hằng ngày chúng ta vừa sống offline – trên thế giới vật lý, truyền thống nhưng từ 20 năm nay khi có Internet chúng ta có cả đời sống online. Nó như một ngôi nhà chung rộng lớn, đẹp và ngày càng tiện nghi. Đó là thành quả vĩ đại của nhân loại. Bản thân internet không có mặt trái nhưng trong ngôi nhà đó không chỉ có người tốt mà còn có cả những người xấu.
Trên internet cũng có lừa đảo, trộm cướp bạo lực, thậm chí là có chiến tranh… Rất tiếc những mặt xấu, tiêu cực là hành vi của con người từ thế giới vật lý offline đưa lên cuộc sống online. Chúng ta cần phải ngăn chặn tội phạm trên Internet cũng như ngăn chặn tội phạm trong không gian offline.
3 – Nguy cơ về an ninh thông tin trên Internet hiện nay so với internet của 20 năm trước có gì khác nhau không, thưa ông? Theo ông phải xử lý, đối mặt với vấn đề an ninh thông tin hiện nay như thế nào mà vẫn đảm bảo cho sự phát triển của Internet, mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội, người dân và cộng đồng DN?
Theo tôi có hai khái niệm là an toàn thông tin mạng gồm an toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị về mặt công nghệ và an toàn về mặt dữ liệu truyền trên mạng đó như chống hacker, virus. Thứ hai là an ninh thông tin mạng đó là những thông tin trên mạng có thể gây phương hại đến an ninh xã hội, an ninh quốc gia.
Trên thế giới thường có luật an toàn thông tin mạng (Cyber Sercurity) trong đó nội dung của thông tin có thể để trong phạm vi của luật an toàn thông tin mạng hoặc trong các luật về quản lý khác như luật báo chí, luật viễn thông, luật CNTT, các luật về hình sự, dân sự đều đề cập những vấn đề về thông tin, quản lý thông tin và những thông tin gây phương hại đến an ninh xã hội và an ninh quốc gia.
Về an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin mạng, thời kỳ đầu khi đưa internet vào Việt Nam, 20 năm trước chủ yếu tập trung vào việc những thông tin sợ lộ bí mật nhà nước, đó là lo ngại nhất. Lúc đó, đất nước trải qua chiến tranh rất dài, hy sinh tổn thất lớn cho nên cảnh giác giữ bí mật nhà nước là rất quan trọng.
Khắp nơi cấm quay phim chụp ảnh, rồi đi nước ngoài phải kiểm tra xem có mang tài liệu hình ảnh gì vì phạm an ninh quốc gia hay không. Trong khi phần lớn lãnh đạo lúc đó cũng trải qua chiến tranh, nên nó như một phản xạ tự nhiên. Lúc đó, chúng tôi cũng phải giải trình các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của những thông tin gây phương hại đến an ninh xã hội cũng như an ninh quốc gia.
Lúc đấy, người ta cũng lo chuyện một số thông tin, có thể gọi là nói xấu lãnh đạo, nó quá nhạy cảm, trên thế giới cũng có một số vị. Trong khi, lãnh đạo của ta trong chiến tranh rất được ca ngợi và người dân cũng có lòng tin nhưng khi có những thông tin không tốt về những vị lãnh đạo thì nó như một phản xạ, phần nào hơi bị giãy nảy lên một tí. Đó là những lo ngại thời bấy giờ.
Còn về an toàn thông tin mạng, chưa phải lo ngại lớn bởi lúc đó tốc độ còn hạn chế, kết nối phải quay qua đường dây điện thoại. An toàn cho thiết bị và dữ liệu chủ yếu do mạng viễn thông đảm nhận.
Ngày nay, lo ngại về an ninh thông tin mạng ở một mức độ lớn hơn so với trước bởi tốc độ truyền, lan toả rất nhanh và số lượng rất lớn. Cho nên việc ngăn chặn, tìm biện pháp hạn chế tiêu cực của thông tin bịa đặt, vu cáo rất quan trọng. Chúng ta thấy thực tế Internet về cơ bản là có lợi cho xã hội nhưng thông tin trước đây kể cả trên mạng chủ yếu phản ảnh sự kiện, hiện tượng của tự nhiên và xã hội.
Ngày nay với mạng internet tốc độ cao thì có khi thông tin qua truyền thông lại tạo ra sự kiện, hiện tượng, nó có khác trước. Thí dụ thông tin hình ảnh về sự tàn phá của bão lụt đã tạo ra một phong trào ủng hộ rất mạnh, rất lớn chứ không chỉ phản ảnh về sự kiện, hiện tượng đó.
Tôi nhớ có thông tin trái cây bị nhiễm độc đã tạo ra một sự tẩy chay làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của bà con ở một tỉnh Bắc Bộ. Cho nên khi có sức lan toả nhanh thì cái tốt cũng được phát huy rất nhanh nhưng cái xấu cũng lan nhanh không kém. Vấn đề là ta phải tìm biện pháp gì ngăn chặn, hạn chế cái xấu đó.
Cũng như trước đây chúng tôi nêu lên những vấn đề gồm: Thứ nhất, đồng ý có những giải pháp kỹ thuật như bức tường lửa, sau này có nhiều phần mềm ngăn chặn; thứ hai, những giải pháp về hành chính và pháp lý bằng luật, thông tư, nội quy, thể lệ khai thác dịch vụ, bằng hợp đồng giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ; thứ ba, quan trọng nhất lại là giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục, nâng cao dân trí để người dân tham gia vào và chọn những cái tốt bỏ qua những cái xấu và không đưa những cái xấu lên mạng.
Cũng như trong cuộc sống làm sao cuộc sống phải bớt tội phạm. Còn đối với những thông tin bịa đặt vu khống, chúng ta phải đưa thông tin kịp thời chính xác, thông tin đúng đắn, đưa lên để giải toả thông tin vì chỉ có thông tin mới giải toả được thông tin.
Cũng như về công tác tư tưởng chỉ có tư tưởng mới giải quyết được vấn đề tư tưởng. Chứ dùng những biện pháp áp đặt và cưỡng bức nhiều khi không làm được kể cả về mặt kỹ thuật cũng không thể ngăn chặn hết. Cho nên vấn đề trong từng giai đoạn, trong từng lĩnh vực, trong từng chỗ ta chọn biện pháp nào, cái nào dùng kỹ thuật, cái nào dùng pháp lý và cái nào bằng tuyên truyền hướng dẫn…
Quan trọng nhất làm sao để cho người dân nâng cao dân trí, đặc biệt ta giải quyết các vấn đề xã hội, thí dụ như tham nhũng nhiều, môi trường offline không sạch thì gây bức xúc cho xã hội và những thông tin đó tràn ra. Chúng ta phải làm sao môi trường xã hội tốt lên thì bớt thông tin tiêu cực trên mạng.
4 – Internet đã mở ra cơ hội, tạo sự phát triển cho nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số, tuy nhiên, muốn phát triển được phải dựa trên nền tảng Internet mạnh. Người ta đang rầm rộ nói đến 4G rồi 5G trong khi chưa khai thác xong 4G đã bàn đến 5G, theo ông có phải là quá sớm?
Tôi cho rằng không quá sớm khi nói tới việc chuẩn bị cho 5G bởi từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp phải có nghiên cứu rất kỹ về công nghệ mới, thí dụ 3G lên 4G là một công nghệ mới. Cơ quan quản lý nhà nước phải quy hoạch, cấp tần số thế nào cho doanh nghiệp; doanh nghiệp phải tìm hiểu công nghệ đó có gì mới, khả năng mang lại những gì để cung cấp dịch vụ cho xã hội thí dụ tốc độ nhanh hay không, giá cước có thể giảm xuống hay không?
Một điều rất quan trọng khi đưa 5G vào đó là độ trễ của tín hiệu. Như ta đã biết khi độ trễ lớn ta nói trên đài một hồi ở xa 2 – 3 giây sau mới nghe được. Còn với 5G độ trễ đó rất thấp, tạo điều kiện cho chuyển đổi số sau này, như một bác sĩ ở Hà Nội có thể điều khiển robot để mổ cho một bệnh nhân ở TPHCM. Do đó, phải tìm hiểu lợi thế của công nghệ mà công nghệ luôn luôn phát triển hằng năm, do đó phải luôn luôn cập.
Thứ hai là phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường, của xã hội tiếp cận thế nào. Từ lợi thế của công nghệ và nhu cầu thị trường thì doanh nghiệp mới xây dựng được kế hoạch chiến lược kinh doanh, lộ trình và đầu tư như thế nào để đảm bảo hoàn vốn…
Thông thường nhà mạng muốn đưa vào một công nghệ, nhất là công nghệ di động thì ít nhất cần 2 – 3 năm chuẩn bị. Với 4G ta phải mất 5 năm, hơi quá lâu do đó 4G vào Việt Nam chậm hơn so với các nước. Cho nên với 5G phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể 2 – 3 năm sau mới đưa vào.
Khi 5G vào Việt Nam sẽ tạo nên nền tảng Internet mới, đặc biệt công nghệ IOT (Internet of things). Từ nay tới 2020 người ta cho rằng có khoảng 4 tỉ kết nối con người với nhau, gọi là Internet of people, nhưng trong tương lai khi Internet of things phát triển, người ta dự kiến có khoảng 40 tỉ kết nối khác nhau, thậm chí có dự báo lên tới hàng trăm tỷ kết nối. Trong khi đó, IOT còn là nền tảng của nền của công nghiệp lần thứ 4 mà hiện nay xã hội đang bàn luận và Chính phủ đang chỉ đạo sát sao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
5 – Việc chuyển đổi số trong các DN VN dường như vẫn diễn ra hết sức chậm chạp, nhất là với các DN phi CNTT. Với những quan sát của mình trong thời gian qua, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Có những doanh nghiệp tiếp cận nhanh và có những doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận chậm. Ở đây có hai lĩnh vực tiếp cận, thứ nhất là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng Internet để tạo nên những sản phẩm dịch vụ cung cấp cho xã hội không những trong nước mà cả quốc tế. Đặc biệt, vai trò các doanh nghiệp về CNTT. Chúng ta thấy rằng ngành công nghệ phần mềm Việt Nam phát triển nhanh cũng nhờ Internet.
Khi một kỹ sư Việt Nam có máy tính có kết nối Internet rõ ràng họ hoàn toàn bình đẳng và có cơ hội như các kỹ sư ở các nước tân tiến nhất thế giới. Cái đó, gọi là thế giới phẳng, bình đẳng về cơ hội. Thí dụ Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird nổi đình đám trên toàn cầu và có thu nhập rất lớn. Còn các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNTT đang đóng góp đóng góp lớn cho GDP của đất nước.
Thứ hai, ứng dụng Internet, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực của mình từ chính quyền điện tử cho đến thương mại điện tử, giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, du lịch… Ở đây một số lĩnh vực tiếp cận nhanh, tôi cho là các doanh nghiệp CNTT, startup. Với một số lĩnh vực độc lập, chưa gắn kết quốc tế thì sức ép thay đổi ứng dụng công nghệ số có chậm.
Có thể nhà máy, doanh nghiệp của họ chưa liên kết nhiều với quốc tế, với thị trường… Ta đã triển khai ứng dụng chính phủ điện tử từ nhiều năm nhưng ứng dụng về thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền còn chậm.
6 – Theo quy luật tự nhiên, tre già măng mọc nhưng với cách mạng công nghiệp 4.0, đôi khi tre chưa già nhưng đã có rất nhiều măng mọc lên – điển hình là các startup. Ông đánh giá gì về hiện tượng này?
Tôi rất vui mừng vì điều đó, vì nền tảng Internet hiện nay cũng như trong tương lai IOT là nền tảng rất tốt cho các Startup. Ngày nay, sáng tạo quan trọng hơn kinh nghiệm, khác xa thời xưa thường nhấn mạnh kinh nghiệm. Tôi cho rằng, với Internet và cuộc cách mạng 4.0 thì sáng tạo quan trọng hơn kinh nghiệm mà sáng tạo thường thế hệ trẻ có lợi thế hơn, sáng tạo nhiều hơn, còn người già có kinh nghiệm hơn.
Ngày nay người ta nói tốc độ quan trọng hơn quy mô. Nhiều hãng lớn đã phải rời khỏi thị trường nhường chỗ cho những hãng mới đi vào công nghệ, tiếp cận công nghệ nhanh, ngay cả Facebook hay Google, Amazon, Alibaba cũng không quá 20 năm tuổi. Trong khi có những tập đoàn hàng trăm năm, đồ sộ về con người, máy móc, cơ sở vật chất nhưng không chuyển đổi nhanh đã phá sản.
Với sức mạnh của CNTT, của công nghệ số, thế hệ trẻ hoàn toàn có những cơ hội ngang bằng với thế hệ trẻ tất cả các nước. Và thế mạnh của Việt Nam khi bước vào công nghiệp 4.0 đó là chúng ta có thị trường 100 triệu dân, có nguồn nhân lực công nghệ số tốt để làm. Còn cái yếu của Việt Nam là thủ tục hành chính và thể chế. Tôi cho rằng startup rất có triển vọng trong tương lai và startup của Việt Nam cũng như thế giới chủ yếu dựa trên nền tảng Internet và sau này là IOT.
Khi nói đến trí tuệ nhân tạo, robot… cũng dựa vào nền tảng công nghệ số và nó là sự kết nối. Cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là một sự kết nối các dữ liệu để qua xử lý phân tích rồi điều chỉnh làm cho con người sống tốt hơn, máy móc hoạt động hiệu quả hơn, làm cho cây cối tốt hơn, lương thực thực phẩm dồi dào hơn… Do đó, đây là một cơ hội rất tốt để thế hệ trẻ tiếp cận.
Tôi nhất trí, hoan nghênh Thủ tướng đã nói rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam đi tới phồn vinh và đừng lỡ mất cơ hội này. Tôi cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam có một vai trò rất lớn, làm sao phải tận dụng những gì Chính phủ đã cam kết, tạo dựng môi trường mở, cơ chế thuận lợi… cho Việt Nam phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Từ nay tới năm 2020 người ta cho rằng có khoảng 4 tỉ kết nối con người với nhau, gọi là Internet of people, nhưng trong tương lai khi Internet of things phát triển, người ta dự kiến có khoảng 40 tỉ kết nối khác nhau, thậm chí có dự báo lên tới hàng trăm tỉ kết nối.
Lan Tường (tổng hợp)