KCN Đồng Văn II: Chủ đầu tư kiện yêu cầu vô hiệu hợp đồng chính mình đã ký !?

(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Phát triển Hà Nam đã đâm đơn kiện yêu cầu vô hiệu nhiều hợp đồng góp vốn mà chính công ty đã ký kết, thậm chí còn bị tòa tuyên phải nộp tiền bồi thường thiệt hại hợp đồng cho đối tác. Nhưng có thể đó là cách “làm ăn” của nhóm VID Group trong “cuộc chiến” về đất đai và là sự việc đặt ra nhiều điều về cách kinh doanh, hay đạo đức kinh doanh.

Mua lại pháp nhân

Được thành lập tháng 8/2004, ban đầu Công ty CP Phát triển Hà Nam do các cá nhân Phạm Văn Ảnh, Hoàng Hải Đường, Nguyễn Duy Uẩn, các pháp nhân Công ty CP Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Công ty TNHH Viễn Đông II sáng lập.

Ngày 02/04/2007, Công ty CP Phát triển Hà Nam đăng ký thay đổi lần 3. Theo đó, Công ty CP ATA (đại diện là ông Phạm Văn Ảnh) đăng ký sở hữu 93,35% vốn góp, cá nhân bà Nguyễn Thị Thương sở hữu 5% vốn góp, ông Nguyễn Hải Đường sở hữu 1,65% vốn góp. Thời điểm này nhóm cổ đông thân hữu của Công ty CP ATA đang sở hữu gần như tuyệt đối tại Công ty CP Phát triển Hà Nam, nắm quyền chi phối phát triển dự án KCN Đồng Văn II.

Đến ngày 21/04/2007, Công ty CP Phát triển Hà Nam đã tiến hành đại hội đồng cổ đông. Theo đó nhất trí để Công ty CP ATA chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã góp của mình vào Công ty CP Phát triển Hà Nam cho Công ty CP Tập đoàn Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group); Nhất trí để bà Nguyễn Thị Thương chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã góp của mình vào Công ty CP Phát triển Hà Nam cho cá nhân ông Trần Anh Tuấn; Và nhất trí để ông Hoàng Hải Đường chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã góp vào Công ty CP Phát triển Hà Nam cho bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Cũng trong ngày 21/04/2007, nhóm Công ty CP ATA và bà Nguyễn Thị Thương (Bên A) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP tại Công ty CP Phát triển Hà Nam cho nhóm VID Group và ông Trần Anh Tuấn (Bên B).

Hợp đồng giữa hai bên xác định: Sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần và hoàn thành đầy đủ các thủ tục pháp lý thì nhóm VID Group và ông Trần Anh Tuấn được tiếp quản toàn bộ dự án KCN Đồng Văn II, dự án xây dựng hạ tầng Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II và bãi khai thác cát Sông Hồng cùng các hợp đồng mà nhóm Công ty CP ATA đã ký kết với các nhà đầu tư và thuê đất tại dự án.

Theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thì nhóm VID Group và ông Trần Anh Tuấn mua lại toàn bộ cổ phần của nhóm Công ty CP ATA và bà Nguyễn Thị Thương đã góp vào Công ty CP Phát triển Hà Nam chỉ với giá trị là 104,867 tỷ đồng.

Đăng ký thay đổi thứ 05 (ngày 15/12/2007) của Công ty CP Phát triển Hà Nam cho thấy, Công ty CP ATA đã thoái vốn hoàn toàn thay vào đó là VID Group sở hữu tới 93,35% cổ phần, ông Trần Anh Tuấn nắm giữ 4,68% cổ phần còn lại bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sở hữu 1,97% cổ phần. Trước đó, từ ngày 05/06/2007 ông Trần Anh Tuấn đã giữ chức Giám đốc Công ty CP Phát triển Hà Nam.

Như vậy có thể thấy, nhóm VID Group đã có không dưới 8 tháng để tiếp cận toàn bộ các thông tin nội bộ của Công ty CP Phát triển Hà Nam, trước khi được công nhận đã thâu tóm xong doanh nghiệp này. Chi tiết này là quan trọng, để đánh giá các diễn biến sau đó do nhóm VID Group tiến hành tại Công ty CP Phát triển Hà Nam.

Tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Và tự kiện chính mình

Sau khi hoàn tất “thay ruột” dàn cổ đông, lãnh đạo, Công ty CP Phát triển Hà Nam lại nhiều lần đâm đơn kiện yêu cầu tòa án xử vô hiệu nhiều hợp đồng góp vốn mà chính doanh nghiệp này đã ký kết trước đó.

Cụ thể các hợp đồng bị Công ty CP Phát triển Hà Nam kiện yêu cầu vô hiệu là: Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV ngày 20/12/2006 giữa bên góp vốn là ông Phạm Văn Giang và bên nhận góp vốn là Công ty CP Phát triển Hà Nam để cùng đầu tư xây dựng hạ tầng diện tích 69 lô đất thuộc Dự án Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II; Hợp đồng góp vốn số 29/HĐGV ngày 20/03/2007 giữa bên góp vốn là ông Phạm Hồng Sáu và bên nhận góp vốn là Công ty CP Phát triển Hà Nam để cùng đầu tư xây dựng hạ tầng lô LK 09 có ô số 39 và ô 40 trong Dự án khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II; Hợp đồng số 24/HĐKT ngày 01/12/2006 giữa Công ty CP Phát triển Hà Nam và Công ty TNHH Khải Hương thống nhất góp vốn để được sử dụng lâu dài 99 lô đất tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II.

Lưu ý rằng tất cả các hợp đồng bị khởi kiện yêu cầu vô hiệu này đều được Công ty CP Phát triển Hà Nam ký kết trước thời điểm “thay ruột”. Đặc biệt là những người đại diện cho Công ty CP Phát triển Hà Nam ký kết hợp đồng lúc bấy giờ đều là người của nhóm cổ đông cũ Công ty CP ATA (ông Phạm Văn Ảnh, Phạm Hồng Sáu).

Các tranh chấp này đều được tòa án xử từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm. Với Hợp đồng 29/HĐGV và Hợp đồng 24/HĐKT đều được TAND huyện Duy Tiên và TAND tỉnh Hà Nam tuyên vô hiệu. Riêng Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV, phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Duy Tiên tuyên vô hiệu, nhưng cấp Phúc thẩm do TAND tỉnh Hà Nam xét xử tuyên Hợp đồng góp vốn này có hiệu lực, buộc các bên nghiêm túc thực hiện hợp đồng.

Không dừng lại ở đó, ngày 04/10/2015 Công ty CP Phát triển Hà Nam còn có Đơn khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên các Hợp đồng thuê lại đất số 25/2006/HĐTĐ, 26/2006/HĐTĐ, 27/2006/HĐTĐ và 31/2006/HĐTĐ vô hiệu. Sau đó doanh nghiệp này xin rút yêu cầu khởi kiện đối với Hợp đồng 27/2006/HĐTĐ và Hợp đồng 31/2006/HĐTĐ.

Như vậy, sau khi nhóm cổ đông VID Group nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Phát triển Hà Nam, thì đã yêu cầu vô hiệu nhiều hợp đồng kinh doanh trước đó. Điều 7 Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP quy định: Nhóm nhận chuyển nhượng cổ phần là VID Group và ông Trần Anh Tuấn sẽ phải tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Công ty CP Phát triển Hà Nam, bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án, các hợp đồng và các công việc mà nhóm Công ty CP ATA và bà Nguyễn Thị Thương đã và đang thực hiện; Phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, các quy định về thực hiện dự án và các hợp đồng mà nhóm Công ty CP ATA đã ký.

Vậy, nhóm VID Group đã thực hiện điều khoản này trong hợp đồng chuyển nhượng như thế nào? Sau 8 tháng và có thể còn dài hơn, để nghiễn ngẫm, tìm hiểu và thâu tóm cổ phần, sau đó lại khởi kiện để hủy chính hợp đồng của mình đã ký, có cách nào để nói nhóm cổ đông VID Group "ngay tình" trong các vụ kiện này, hay đó là hành vi vô đạo đức trong kinh doanh? Đó là điều KH&ĐS tiếp tục tìm hiểu.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top