Indonesia đang trong "kịch bản tồi tệ nhất", nguy cơ thành Ấn Độ thứ hai

Indonesia thừa nhận đang ở trong "kịch bản tồi tệ nhất" khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt do biến thể Delta.
Indonesia đang trong kịch bản tồi tệ nhất, nguy cơ thành Ấn Độ thứ hai - 1

Nhân viên chôn cất thi thể nạn nhân Covid-19 tại Indonesia (Ảnh: Bloomberg).

Indonesia ngày 14/7 ghi nhận thêm 54.000 ca mắc Covid-19 mới, cao gấp 10 lần so với số ca nhiễm hàng ngày hồi đầu tháng 6. Đây cũng là kỷ lục mới nhất trong chuỗi kỷ lục về Covid-19 được thiết lập tại Indonesia trong một tháng qua.

Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Tính đến nay, nước này ghi nhận hơn 69.200 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm vượt 2,6 triệu người. Một số chuyên gia cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu công bố chính thức.

Trong cuộc họp báo được phát trực tuyến, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cảnh báo các ca mắc Covid-19 hàng ngày vẫn có thể tăng cao do biến thể Delta. Biến thể này được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ, có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần.

"Chúng tôi đang ở trong tình huống tồi tệ nhất", ông Luhut nói.

"Nếu 60.000 ca mỗi ngày hoặc nhiều hơn thế, chúng tôi vẫn có thể ứng phó. Chúng tôi hy vọng không phải là 100.000 ca mỗi ngày, nhưng ngay cả khi chúng tôi đến mức đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng", quan chức Indonesia nói thêm.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta đã được tìm thấy ở 11 khu vực bên ngoài Java - đảo đông dân nhất của Indonesia.

Indonesia đang trong kịch bản tồi tệ nhất, nguy cơ thành Ấn Độ thứ hai - 2

Bệnh nhân chờ nhập viện bên ngoài khu cấp cứu của một bệnh viện điều trị Covid-19 ở Indonesia (Ảnh: Reuters).

Chính phủ Indonesia đã chuyển đổi một số tòa nhà thành cơ sở cách ly, triển khai các bác sĩ và y tá mới tốt nghiệp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhập khẩu thuốc điều trị và ôxy. Hơn 2.000 bác sĩ mới tốt nghiệp và 20.000 y tá sẽ sớm được triển khai đến các bệnh viện tại Indonesia.

Các bệnh viện ở Java đã bị đóng cửa trong những tuần gần đây. Nhiều người phải vật lộn để được điều trị và hàng trăm người tử vong trong thời gian tự cách ly. Từ đầu tháng 6, phần lớn trong số 550 người chết trong thời gian tự cách ly là bệnh nhân ở Java.

Các ca nhiễm và nhập viện cũng tăng lên ở các vùng Sumatra, Kalimantan và các khu vực xa xôi hơn như Tây Papua, nơi cơ sở y tế không được trang bị đầy đủ để ứng phó dịch bệnh.

"Chúng ta phải giám sát chặt chẽ việc này, vì nếu có điều gì đó xảy ra ở các khu vực đó, năng lực y tế của họ sẽ yếu hơn Jakarta hoặc Java", Bộ trưởng Budi cho biết.

Ở Đông Nusa Tenggara, số ca nhiễm đã tăng hơn gấp đôi trong 3 ngày qua, trong khi ở Lampung, Sumatra, tỷ lệ giường bệnh có bệnh nhân đã lên tới 86%, Đông Kalimantan là 85% và Tây Papua là 79%.

Ismen Mukhtar, nhà dịch tễ học ở Lampung, cho biết các khu vực của Indonesia rất dễ bị tổn thương.

Theo ông Luhut, vắc xin kém hiệu quả hơn trước biến thể Delta, gây ra phần lớn ca nhiễm trên đảo Java. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân tiêm chủng để giúp ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong.

Chính phủ Indonesia đang phân tích tình hình và sẽ quyết định có mở rộng các biện pháp hạn chế khẩn cấp hiện tại, dự kiến hết hạn vào ngày 20/7 hay không.

Trong khi các chuyên gia y tế cảnh báo Indonesia có thể trở thành Ấn Độ tiếp theo, chính phủ Indonesia đã cố gắng tăng cường công suất và đảm bảo cung cấp đủ ôxy. Bộ trưởng Luhut ngày 14/7 cho biết nguồn cung ôxy vẫn đang được quản lý tốt, với hơn 1.500 máy tạo ôxy dự kiến sẽ được chuyển từ Singapore và Trung Quốc tới Indonesia.

Theo Reuters, Rappler

Theo dantri.com.vn
back to top