Dự án Saigon One Tower do Công ty M&C làm chủ đầu tư, từng trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc của TPHCM, khi tọa lạc tại vị trí vàng tại quận 1. Nhưng sau đó, dự án này được thế chấp cho khoản vay tín dụng tính tại Ngân hàng Hàng hải (MSB) và Ngân hàng Đông Á (DAB) và sau đó trở thành khoản nợ xấu, thuộc một vụ án hình sự. Sau đó, năm 2017, VAMC thu giữ dự án và đã dự kiến đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng (năm 2019). Nhưng đến nay, dự án vẫn bị mắc kẹt.
HoREA cho rằng, Dự án Saigon One Tower đang nằm chết, không giải quyết được là do thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và xác định giá khởi điểm để đấu giá đã làm giá trị của dự án bị giảm đi và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cụ thể, năm 2019, VAMC đã xác định giá khởi điểm đấu giá 6.110 tỷ đồng trên cơ sở xác định “giá đất cụ thể” tính theo thời gian sử dụng đất còn lại của Dự án Saigon One Tower chỉ còn 39 năm do phải trừ đi 11 năm từ khi có quyết định giao đất năm 2008. Thời gian này không dài đối với dự án có tổng mức đầu tư khủng hơn 5.000 tỷ đồng như Saigon One Tower.
Điều này liên quan đến cách tính thời hạn sử dụng đất của Luật Đất đai 2013. HoREA cho rằng, cần bổ sung cách tính thời hạn sử dụng đất từ thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc loại đất được giao, thuê đất có thời hạn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Chưa kể, dự án này nếu được tính lại thời hạn 50 năm kể từ ngày trúng đấu giá, thì giá khởi điểm đấu giá có thể được xác định cao hơn 6.110 tỷ đồng. Nếu tính theo cách này sẽ đảm bảo được lợi ích các bên có liên quan, trong đó có lợi ích của ngân hàng có tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Do đó, theo HoREA, tất cả những rào cản về luật đã khiến cho Dự án Saigon One Tower cứ mãi chết yểu, không được giải quyết, gây lãng phí, thiệt hại tài sản doanh nghiệp và nhà nước.