Người già ra đường cần mắc ấm, đeo khẩu trang để tránh hít thở không khí lạnh.
Gia tăng bệnh lý vào mùa đông
Mùa đông thời tiết lạnh sâu và kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người đặc biệt là người cao tuổi. Song song với các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng mạnh mẽ mỗi khi mùa đông đến.
Theo thống kê, có khoảng hơn 50% những cơn đau tim ở người già xảy ra vào mùa đông, tỷ lệ tử vong cao nhất thường vào những tháng lạnh giá nhất của năm.
Nguyên nhân gia tăng bệnh tim mạch trong mùa đông là do quá trình lão hoá của cơ thể xảy ra thường xuyên và liên tục. Tuổi càng cao sự lão hoá càng mạnh mẽ và tác động đến các tế bào quan trọng của cơ thể. Tuổi cao, lão hoá ở hệ tim mạch gây nên các bệnh tim mạch ở người già.
Khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, nếu cơ thể người bệnh tim mạch không giữ đủ độ ấm sẽ rất dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột khiến gia tăng nhiều bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trong mùa lạnh, nhu cầu cung cấp oxy của tim tăng lên do phải tăng cường hoạt động để duy trì thân nhiệt. Nếu tim không đáp ứng đủ nhu cầu này sẽ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu khiến tình trạng suy tim tăng lên, gây đau thắt ngực ở người bị mắc bệnh mạch vành và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Các viêm nhiễm đường hô hấp trong mùa đông làm tăng nguy cơ suy tim và nhồi máu cơ tim. Không khí lạnh làm cho các động mạch vành bị co thắt, mạch máu dễ bị tắc, máu khó lưu thông gây khó khăn cho việc thải độc trong máu và dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Thời tiết lạnh giá của mùa đông khiến những bệnh nhân tim mạch không tập thể dục được thường xuyên. Mùa đông cũng là lúc không khí ô nhiễm nặng hơn bởi gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao.
Thời điểm cuối năm là mùa của lễ tết và đoàn viên, mọi người thường có tâm lý tự cho phép mình ăn uống thoải mái hơn không cần kiêng khem… Tất cả những lý do trên khiến cho tỷ lệ đau tim tăng nhanh vào mùa đông.
Chú ý chăm sóc cơ thể
Khi có bệnh nhân tim mạch trong nhà, người thân cần nêu cao ý thức cảnh giác và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tim mạch trong mùa đông, đặc biệt là khi trời trở lạnh nhanh, đột ngột.
Người bệnh tim mạch cần được đo và theo dõi huyết áp định kỳ; mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh; hạn chế ra ngoài vào những ngày giá rét; luôn mang theo thuốc trợ tim bên mình; cần quan sát thường xuyên nhịp thở vào đêm khuya, lúc sức đề kháng của cơ thể giảm để có biện pháp cứu chữa kịp thời.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày (những ngày rét đậm, rét hại có thể tập thể dục trong nhà); ăn uống đủ dưỡng chất, lưu ý bổ sung thực phẩm giàu Omega 3 kết hợp vitamin K2; thăm khám sức khỏe định kỳ; ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần báo cho người thân và tiến hành nhập viện càng sớm càng tốt…
Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm…
Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Trong sinh hoạt hàng ngày, người già cần mặc đủ ấm nhưng không bó cứng. Ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo len, dạ, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ len, đi tất dày.
Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh được sự mất nhiệt khi trời lạnh. Có thể dùng khăn len che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi hoặc làm khởi phát đợt cấp COPD, bệnh phổi mạn tính…
BS Nguyễn Thị Minh Hằng (Bệnh viện Tim Tâm Đức)