Buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị FIG WORKING WEEK 2019 đã diễn ra tại trụ sở của Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.
TS Trần Bạch Giang, Chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam (VGCR) cho biết, Hội trắc địa Việt Nam đã có 4 năm chuẩn bị cho Hội nghị lần này. Hội nghị có ý nghĩa rất to lớn với ngành đo đạc và bản đồ nói chung.
Theo TS Trần Bạch Giang, mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Hội nghị lần này là tạo điều kiện cho các nhà trắc địa Việt Nam tiếp xúc với các nhà trắc địa trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, đặc biệt với các nhà trắc địa trẻ.
Bởi việc các nhà khoa học Việt Nam đươc tham gia các hội nghị khoa học quốc tế là hết sức khó khăn do hạn chế kinh phí và yếu về tiếng Anh. Năm nay, có 45 đại biểu Việt Nam được tham gia viết bài, trình bày tại Hội nghị, có thể coi đây là một sự kiện hết sức đặc biệt, lần đầu tiên đối với Hội nghị này.
Đặc biệt Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tranh thủ ý kiến của các nhà khoa hoc hàng đầu trên thế giới về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý đới ven bờ… là những vấn đề hết sức nóng và khó khăn với các nhà trắc địa Việt Nam.
Hội nghị cũng là cơ hội để VGCR đào tạo cán bộ thay thế do sự hẫng hụt thế hệ các nhà trắc địa tại Việt Nam.
Đồng thời, nâng cao vị thế, hình ảnh và kinh nghiệm của VGCR để trong tương lai có thể đăng ký tổ chức Đại hội FIG.
Hội nghị FIG WORKING WEEK 2019 được tổ chức hàng năm giữa 2 kỳ đại hội 4 năm. Tuần lễ FIG bao gồm các kỳ họp của Hội đồng, Ủy ban Cố vấn, Đại hội đồng FIG và Hội nghị khoa học quốc tế; các hội thảo trước Hội nghị FIG.
Hội nghị diễn ra từ 22-26/4 với chủ đề “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh”. Đến nay đã có trên 700 đại biểu quốc tế đăng ký tham dự.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị sẽ diễn ra Hội nghị Hội đồng FIG, Ủy ban Tư vấn (ACCO); 3 Hội thảo trước thềm Hội nghị khoa học quốc tế và Hội nghị Đại Hội đồng FIG; Triển lãm; Thăm quan kỹ thuật.
Trong đó, với chủ đề “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh” Hội nghị Khoa học sẽ có 3 phiên họp toàn thể với 9 báo cáo dẫn đề của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế cùng 60 phiên họp kỹ thuật với 305 báo cáo của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế.