Vụ việc học sinh lẫn giáo viên phải quỳ ở Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) hay gần đây nhất là vụ việc học sinh bị tát 231 cái gây ồn ào dư luận...
Câu chuyện gần đây nhất diễn ra vào ngày 19/11, cháu Hoàng Long N, học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N.
Tổng số học sinh 27 cháu, có 3 cháu quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia "tát phạt" N. Còn lại mỗi cháu phải tát N đủ 10 cái. Theo học sinh phản ánh, nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N vừa khóc vừa đau, buột miệng nói tục.
Tổng số N bị tát 231 cái khiến em nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười của huyện Quảng Ninh vào ngày 19.11, trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23/11, cháu đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định. Hiện cô giáo Thủy đã bị tạm đình chỉ công tác, cô cũng đã lên tiếng xin lỗi và mong được tha thứ vì “phải nuôi cả gia đình”. Phía nhà trường cũng mong báo chí đừng "đào xới" vì trường "sắp đạt chuẩn quốc gia".
Câu chuyện là dù được báo chí nói rất nhiều, dư luận lên án gay gắt nhưng những cô giáo “hổ” kiểu như này vẫn liên tục xuất hiện. Theo các chuyên gia giáo dục, nó đều có những nguyên nhân căn bản giống nhau. Nếu không giải quyết dứt điểm những tồn tại này thì … những vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận đâu đó trên đất nước này vẫn tiếp diễn.
“Vì vậy giáo viên giảng dạy không bao giờ được dùng các biện pháp bạo lực. Ngày xưa, giáo viên là người cung cấp kiến thức, tri thức nên học sinh buộc phải học và biện pháp đòn roi là biện pháp trừng phạt nhưng bây giờ bản chất của giáo dục là hướng đến yếu tố tích cực do đó sẽ không có chỗ cho những biện pháp tiêu cực”, PGS Phạm Mạnh Hà khẳng định.PGS. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, bản chất của giáo dục không chỉ cung cấp tri thức mà còn hình thành nhân cách và phát triển nhân cách. Vì thế bên cạnh việc truyền đạt tri thức thì giáo viên phải hỗ trợ cho học sinh để các em hình thành giá trị tích cực, đó mới là vấn đề cốt lõi.
Trở lại câu chuyện gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, PGS. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng có nhiều nguyên nhân: Liên quan đến phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trước đây giáo viên học trong trường sư phạm sẽ được học các bộ môn như tâm lý lứa tuổi, các tình huống sư phạm hay giao tiếp sư phạm… nhưng phân môn đạo đức nghề nghiệp thì đang thiếu vắng để giúp giáo sinh có hành vi, có chuẩn mực mô phạm.
Học sinh bị tát 231 cái phải nhập viện cấp cứu |
“Khi giáo viên là người truyền đạt tri thức thì giáo viên phải bằng cách này cách kia bắt học sinh phải tiếp nhận tri thức đó mà không cần biết năng lực của các em như thế nào. Ngược lại nếu đổi phương pháp hướng đến việc học sinh tự chiếm lĩnh, tự giải quyết và chủ động, hứng thú… giáo viên đỡ vất vả hơn”, PGS. TS Phạm Mạnh Hà nói.
Vị giảng viên tâm lý cũng cho rằng còn một nguyên nhân khác có câu chuyện của những vấn đề mang tính khách quan. Đó là khi giáo viên chịu quá nhiều áp lực (từ cuộc sống mưu sinh với tiền lương, phụ cấp như hiện nay không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu buộc họ phải phân phối thời gian sang công việc khác; giáo viên cũng chịu áp lực từ phía nhà trường, phòng giáo dục đặt ra (tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi hay áp lực từ chính phụ huynh học sinh…
Những áp lực từ nhiều phía này đôi khi làm giáo viên quá tải, stress và để đạt được những yêu cầu này đôi lúc họ buộc phải sử dụng những phương pháp mạnh.
Để học sinh “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” mà không cần bất cứ một phương pháp đòn roi, trừng phạt nào. PGS. TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích.
“Chúng ta phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp học lại, đừng đánh giá học dốt là kém mà có thể do điều kiện hoàn cảnh nào đó. Chứ không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Điều đó là không nên và không thực tế”.
Yếu tố nữa theo PGS Phạm Mạnh Hà liên quan đến hoàn cảnh. Theo đó, hầu như sĩ số các lớp học đều vượt chuẩn quy định “30 cháu”. Rõ ràng lao động của giáo viên quả tải rất nhiều trong khi cá tính của học sinh mỗi em một khác. Chưa kể học sinh cũng bị học nhiều quá, không có thời gian chơi.
Thử hỏi mỗi ngày, mỗi em có bao nhiêu phút được ra chơi? Bao nhiêu phút giành cho các hoạt động ngoại khóa? Hiện mấy trường có bể bơi, có khu vui chơi cho các em? Hay hầu hết thời gian ở trong lớp cả sáng, cả chiều? Rõ ràng với khoảng thời gian bị ở trong lớp dài như vậy chuyện học trò quậy, phá, không kiểm soát được là đương nhiên.
“Tất cả những yếu tố đó làm cho mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường trở nên gần như đối đầu. Một bên mong muốn những tri thức tốt đẹp, mong muốn phải tốt phải được khen, một bên thì căng thẳng dồn nén và xảy ra xung đột là điều không tránh khỏi”, PGS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.