Hoài Linh: 'Tôi không biển thủ tiền hơn 13 tỷ đồng'

Hoài Linh lần đầu xin lỗi vì chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng quyên góp từ khán giả, nói sẽ trao tiền cho người miền Trung khi dịch ổn định.

Trước câu hỏi: "Vì sao giữ hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp từ tháng 10/2020 đến nay vẫn chưa giải ngân như mục đích kêu gọi từ thiện?", Hoài Linh cho biết tiền nằm nguyên trong tài khoản anh lập nên. Danh hài từ chối trả lời trực tiếp báo giới về kế hoạch, thời gian sử dụng tiền. Thay vào đó, tối 24/5, anh lần đầu lên tiếng trần tình qua video gửi đến VnExpress.net.

Hoài Linh lần đầu lên tiếng về việc giải ngân tiền thiện nguyện hơn 13 tỷ đồng do khán giả gửi anh trao cho người miền Trung vượt thiên tai. Video: Nhân vật cung cấp.

Giữa tháng 5, khán giả dấy lên nhiều tranh cãi khi Hoài Linh chưa công bố kế hoạch giải ngân sau hơn nửa năm quyên góp từ thiện, đề nghị anh minh bạch chuyện sử dụng tiền đang giữ.

Hoài Linh nói đã liên hệ một số cơ quan địa phương để trao một phần hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cộng với lãi suất cùng khoản tiền anh chi ra, quỹ hiện tại là hơn 13,7 tỷ đồng. Trước đó, dịp Tết, anh nói lên dự kiến có chuyến đi trao tiền ở miền Trung, song bị hoãn vì dịch. Nghệ sĩ dời sang ngày 10 đến 17/5, nhưng một lần nữa phải đình lại khi dịch bùng phát đợt bốn.

Hoài Linh biểu diễn trong một đêm nhạc ủng hộ tuyến đầu chống dịch tháng 8/2020. Ảnh: Sen Vàng.

Hoài Linh biểu diễn trong một đêm nhạc ủng hộ tuyến đầu chống dịch tháng 8/2020. Ảnh: Sen Vàng.

Ngoài ra, Hoài Linh cho biết khán giả còn gửi anh hơn một tỷ đồng để góp quỹ thiện nguyện của Chí Tài. Số tiền này anh tách ra, làm đúng theo ủy thác của gia đình cố danh hài.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP HCM, việc vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp từ thiện được quy định tại Nghị định số 64/2008 của Chính phủ điều chỉnh, Luật Phòng chống thiên tai năm 2013.

Cụ thể, Điều 33 Luật Phòng, Chống thiên tai quy định: "Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn". Còn điều 5 của Nghị định 64/2008 quy định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép...".

Tuy nhiên, Nghị định này chỉ điều chỉnh việc tổ chức, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp của các cá nhân trong và ngoài nước trong các quỹ được nhà nước quy định. Còn cá nhân uỷ thác việc gửi tiền, vật phẩm cho người khác đi làm từ thiện thì không thể áp dụng.

Do đó, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 64. Việc các cá nhân đứng nhận tiền đóng góp tự nguyện từ người khác để làm từ thiện thì có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Một số người dân tự nguyện gửi tiền cho các cá nhân có thể hiểu là bên tặng cho tài sản và người được ủng hộ là bên được cho tài sản. Khi đó, các cá nhân vận động quyên góp giữ vai trò trung gian theo "ủy quyền" của người cho tặng. Nếu các cá nhân này không hoàn thành đúng việc mà người gửi tiền làm từ thiện đã "ủy quyền" thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong vài ngày tới. Bộ Tài chính đề xuất cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, các cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động cũng như chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để làm từ thiện phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Đại diện cơ quan soạn thảo cho hay chưa có quy định cứng về thời gian phải phân phối số tiền, đây là vấn đề thỏa thuận giữa người tiếp nhận và bên ủng hộ tiền. Bên tiếp nhận phải thông tin đến người ủng hộ về thời gian giải ngân số tiền hoặc hiện vật, thống nhất việc phân phối như thế nào.

Hoài Linh sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam. Thập niên 1990, anh gây tiếng vang ở hải ngoại khi đóng kịch hài cùng Vân Sơn. Đầu những năm 2000, anh về nước sống và làm việc. Ngoài diễn kịch, anh làm giám khảo game show, đóng nhiều phim điện ảnh. Hiện Hoài Linh chủ yếu sống ở đền thờ tổ nghiệp tại quận 9, TP HCM.

Theo vnexpress.net
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top