Lá vông.
Cây vông còn có tên vông nem, thích đồng bì, co toóng lang (Thái), bơ tòng (Tày). Cây to cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu, có nhiều gai ngắn. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình tam giác. Vào tháng 3-5, sau khi lá rụng, cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói.
Trong lá và thân có một alcaloid là erythrin, có độc. Chất này có tác dụng làm giảm và có khi làm mất hẳn hoạt động thần kinh trung ương, tuy nhiên không ảnh hưởng đến sự kích thích vận động và sự co bóp của cơ. Còn có chất saponin gọi là migarin làm dãn đồng tử.
Trong hạt có alcaloid gọi là hypophorin có tác dụng tăng phản xạ kích thích đưa đến sự co giật, uốn ván. Về dược lý, lá vông có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, trấn tĩnh, gây ngủ, hạ thân nhiệt và hạ huyết áp
Cây vông là loại cây dễ trồng, mọc nhiều ở rặng rào, ven đường hoặc vùng đồi núi, được nhiều người dân trồng lấy lá trị bệnh, an thần, chống lo âu, phiền muộn, nhức đầu, chóng mặt.
Ðể chữa vết thương, dùng lá tươi nấu nước rửa và lá khô tán bột rắc. Liều dùng: 10-15g
Sau khi sinh, máu xấu đưa lên choáng đầu, mờ mắt: Vỏ cây Vông nem già, lá Mần tưới, Cỏ màn chầu, Ngưu tất, mỗi vị 10-15g, sắc uống.
Chữa trẻ khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi trộm: Hái lá vông nem và lá dâu bánh tẻ, mỗi thứ 10-15g, nấu canh ăn vào bữa tối.
Chữa viêm đại tràng mãn tính Vông nem 15g, lá nhót 25g, sao vàng hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.
Chữa đại tiện ra máu, trĩ: Lá vông 15g, lá sen 15g, sắc uống. Lá tươi giã nát đắp vào búi trĩ bị sa.
Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh: Hoa cây vông nem 40g, sắc uống.
Chữa bệnh ngoài da: Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, rễ chút chít lượng thích hợp, tán nhỏ, pha thành rượu liều lượng 1/5, bôi ngoài da.
Chữa mất ngủ: Lá vông tươi 20g, rửa sạch, vò qua, vẩy khô hấp vào nồi cơm sau khi cạn. Có thể đun làm nước uống. Trước khi đi ngủ, ăn vài lá vông này, ngủ sâu giấc.
Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu, hoặc lòi dom: Lá vông 30g, lá sen 10g giã, vắt lấy nước cốt uống, nếu bị lòi dòm thì lấy bã đắp vào.
Ngoài công dụng làm thuốc, lá còn có thể dùng nấu canh ăn ngon.
BS Nguyễn Thị Vân Anh
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc