Hiểu đúng về tiên lượng để điều trị tốt ung thư

(khoahocdoisong.vn) - Hiểu biết về tiên lượng sẽ giúp cho người bệnh và gia đình dễ dàng đối phó với với bệnh ung thư hơn, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

Điều mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn muốn biết nhất khi bị chẩn đoán ung thư là: Bệnh có nặng không? Thời gian sống còn được bao lâu và bệnh có khỏi được không? Phương pháp điều trị này có hiệu quả không?...

Những câu hỏi đó, theo từ ngữ chuyên môn, chính là tiên lượng bệnh. Hiểu biết về tiên lượng sẽ giúp  người bệnh và gia đình dễ dàng đối phó với với bệnh ung thư, có sự chuẩn bị về tâm lý và tài chính khi lựa chọn phương pháp điều trị và có thể tự chăm sóc bản thân tốt nhất và tránh tác dụng phụ.

Thông thường, bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ là người tiên lượng tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do tình trạng quá tải, không phải bác sĩ nào cũng đủ thời gian giải thích cặn kẽ hoặc nếu giải thích thì không phải bệnh nhân nào cũng hiểu từ ngữ chuyên khoa bác sĩ nói. Bài viết này hỗ trợ một phần kiến thức cho mọi người về tiên lượng bệnh trong ung thư.

Chỉ số thống kê để tiên lượng

Các bác sĩ ước tính tiên lượng bằng cách sử dụng số liệu thống kê về những người mắc cùng loại ung thư. Một số loại thống kê có thể được sử dụng để ước tính tiên lượng. 

Thời gian sống thêm toàn bộ (OS): Ví dụ, bệnh nhân A được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú, giai đoạn III, tiên lượng sống thêm 5 năm là 93%. Có nghĩa là 100 bệnh nhân như bệnh nhân A, nếu điều trị, thì có khoảng 93 người còn sống đến 5 năm. 7 bệnh nhân còn lại sẽ tử vong trước thời điểm 5 năm từ khi chẩn đoán, có thể do bệnh ung thư hay do bất kì nguyên nhân nào.  Có thể lấy mốc OS là 1 năm, 2 năm... 5 năm... 10 năm... nhưng thời gian 5 năm hay được dùng nhất.

- Tỷ lệ sống thêm không bệnh (DFS) và tỷ lệ sống thêm không bệnh tiến triển (PFS): Hai chỉ số hay dùng để đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị. Biết điều này bệnh nhân và gia đình có thể cân nhắc lợi và hại, có quyết định điều trị phương pháp đó hay không. Trong điều trị, một tỷ lệ bệnh nhân sẽ đáp ứng, có đáp ứng một phần (triệu chứng và dấu hiệu bệnh có giảm nhưng vẫn còn) và đáp ứng toàn bộ (hết hoàn toàn triệu chứng và dấu hiệu ung thư).

Thời gian sống thêm không bệnh: Thời gian bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị.

Thời gian sống không tiến triển: Thời gian những người không có khối u mới phát triển hoặc ung thư lan rộng trong hoặc sau khi điều trị. Bệnh có thể đã đáp ứng với điều trị hoàn toàn hoặc một phần. Hoặc bệnh có thể ổn định. Điều này có nghĩa là ung thư vẫn còn đó nhưng không phát triển hoặc lan rộng. Ví dụ: Bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn IV có đột biến EGFR, có thể lựa chọn điều trị thuốc kháng EGFR hoặc hóa chất. Trong nghiên cứu tối ưu, so sánh giữa Erlotinib (Tarceva)  - thuốc điều trị trúng đích và hóa chất (Gemcitabin +carboplatin), thuốc Tarceva cho thời gian sống không tiến triển là 13,1 tháng so với hóa chất là 4,6 tháng và ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên Tarceva bảo hiểm chỉ chi trả 50%. Bác sĩ sẽ đưa ra thông tin và bệnh nhân lựa chọn: Nếu có điều kiện kinh tế thì chọn Tarceva, nếu không có kinh tế thì chọn hóa chất…

 Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

Ung thư loại gì? Ví dụ, ung thư gan nguyên phát tiên lượng xấu hơn ung thư tuyến giáp biệt hóa…

Giai đoạn: Nói chung cùng một loại ung thư, giai đoạn càng muộn tiên lượng càng xấu. Ví dụ: Tỷ lệ sống tương đối 5 năm với ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm là 90%. Tỷ lệ này giảm xuống 14% ở giai đoạn tiến triển…

Độ biệt hóa của tế bào ung thư: Liên quan đến sự phát triển và lan rộng. Ví dụ, ung thư phổi tế bào nhỏ tiên lượng xấu hơn ung thư phổi tế bào không nhỏ.

Đặc điểm của tế bào ung thư: Ví dụ, bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính (ER/PR) tiên lượng tốt hơn bệnh nhân có thụ thể nội tiết âm tính vì bệnh nhân có cơ hội được điều trị thuốc nội tiết…

Tuổi, thể trạng bệnh nhân: Thể trạng bệnh nhân càng tốt thì tiên lượng càng tốt và ngược lại…

Ngoài ra, tiên lượng còn tùy đáp ứng của bệnh nhân với điều trị.

“Khỏi” có nghĩa là loại bỏ hết tế bào ung thư khỏi cơ thể và đảm bảo nó không quay trở lại. Sự thuyên giảm có nghĩa là có ít hoặc không có dấu hiệu ung thư trong cơ thể.

 Xét theo định nghĩa, bệnh ung thư không chữa khỏi. Sự thuyên giảm hoàn toàn không có nghĩa là khỏi vì có thể các tế bào ung thư vẫn còn nhưng không phát hiện được, có thể sẽ tiến triển tái phát sau này. Bệnh tái phát thường xảy ra trong những năm đầu, ít khi tái phát sau 5 năm. Vì vậy, một số bác sĩ coi “chữa khỏi” là bệnh không quay trở lại trong 5 năm. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể trở lại nên bệnh nhân vẫn phải theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

BS Trịnh Thế Cường (Khoa Ung bướu, Bệnh viện E)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top