GS.TS Nguyễn Đình Cử
Hãy để vợ chồng tự quyết định số con
Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì đang đưa ra 2 phương án, hoặc là các cặp vợ chồng tự quyết định số con hoặc giữ nguyên quy định hiện hành. Ông ủng hộ phương án nào?
Trước hết phải khẳng định rằng, tình trạng dân số nước ta đã thay đổi rất căn bản. Nếu trước đây mức sinh cao thì nay mức sinh đã thấp, dân số trẻ đã bước vào quá trình già hóa. Đã hình thành cơ cấu dân số “vàng”. Mất cân bằng giới tính khi sinh khá nghiêm trọng. Di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ…
Những đặc điểm dân số nói trên tác động rất mạnh đến sự phát triển bền vững của nước ta, mang lại cả cơ hội và thách thức. Do vậy, cần phải có những nhận định, kết luận chính thức về tình hình dân số và định hướng cho chính sách dân số mới. Việc để các gia đình tự quyết định số con ở thời điểm này là phù hợp.
Theo Bộ Y tế, mức sinh hiện nay còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh/thành. Một số nơi có mức sinh rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Ví dụ, TPHCM mức sinh 1,45 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Bà Rịa – Vũng Tàu 1,56 con. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con. Dự án Luật Dân số dự kiến trình Chính phủ vào quý 1/2018, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2018, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2018. Dự thảo vừa được Bộ Y tế chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.
Vì sao lại phù hợp ạ?
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 cách đây nửa thế kỷ. Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh, từ bị động sang chủ động, từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao, từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn.
Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Kết quả này đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng và chủ yếu là tích cực đến sự phát triển bền vững của nước ta. Do đó, các gia đình hoàn toàn có thể tự quyết định số con mà không ảnh hưởng đến chính sách dân số vĩ mô.
Nhưng có lo rằng sẽ bùng nổ dân số không kiểm soát nếu chúng ta nới lỏng chính sách dân số?
Tôi hiểu lo lắng này xuất phát từ thực tế gần 70% dân số nước ta vẫn sống ở nông thôn, tỷ lệ lớn lao động là nông dân. Cơ sở kinh tế, xã hội này có thể làm cho mức sinh cao, nếu không kiểm soát.
Tuy nhiên, chuyển đổi chính sách, chỉ là “chuyển trọng tâm”. Kế hoạch hóa gia đình không còn là trọng tâm nữa chứ không phải bỏ kế hoạch hóa gia đình. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng vai trò của nhà nước cần thay đổi.
Nghĩa là không cấm nhưng cũng không khuyến khích việc sinh nhiều con?
Đúng thế. Chúng ta đã đạt được thành tựu khá vững chắc về chính sách dân số, mỗi gia đình có 1 – 2 con. Nhiều cặp vợ chồng, có cho thoải mái cũng không sinh thêm.
Xu hướng giảm sinh thể hiện rõ trong suốt 55 năm qua, đặc biệt, mức sinh thay thế được duy trì hơn 10 năm gần đây trong điều kiện có những thay đổi căn bản về quản lý. Người dân được tuyên truyền, giáo dục nhiều và trên thực tế cũng đã nhìn nhận thấy lợi ích rõ ràng của mô hình gia đình nhỏ.
Trình độ phát triển quyết định mức sinh
Theo ông, điều gì quyết định mức sinh cao hoặc thấp?
Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà thậm chí, cơ bản lại phụ thuộc trình độ phát triển.
Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế xã hội, như trình độ giáo dục, của phụ nữ ngày càng cao và ngày càng bình đẳng với nam giới. Tỷ lệ hộ có truyền hình năm 2009 đạt tới 95%. Tỷ lệ dân thành thị tăng nhanh.
Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thúc đẩy con người hướng đến những hành vi hợp lý, hiệu quả. Giao lưu và hội nhập quốc tế sâu sắc… Sự tiến bộ nhanh về kinh tế xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Ở góc độ chính sách, rõ ràng đã đến lúc nên tập trung nâng cao chất lượng hơn là tập trung kiểm soát số lượng?
Trước đây mức sinh rất cao, dân số bùng nổ thì đặt trong tâm hạ thấp mức sinh là phù hợp. Hiện nay, mức sinh đã thấp trong khi đó lại xuất hiện những xu hướng dân số mới, như mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu dân số “vàng”, già hóa dân số, di cư ngày càng mạnh mẽ và chất lượng dân số chưa cao.
Những xu hướng dân số này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, cần phải có chính sách thích ứng với các xu hướng dân số nói trên để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Như vậy, trọng tâm của chính sách dân số sẽ là tập trung giải quyết các mối quan hệ dân số và phát triển.
Với sự phát triển về nhận thức, trình độ, mức sống, liệu trong tương lai,Việt Nam có phải đối mặt với kịch bản mức sinh thấp và cần khuyến khích sinh?
Các dự báo đều đưa ra kết quả trong thời gian tới mức sinh tiếp tục giảm và dưới mức sinh thay thế. Kinh nghiệm của nhiều nước châu Á cho thấy, cần thay đổi chính sách giảm sinh khi đã đạt được “mức sinh thay thế”.
Nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… chậm thay đổi chính sách giảm sinh sau khi đạt được mức “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”, vì nhận thấy quy mô dân số vẫn tăng lên. Các nước này chỉ thay đổi chính sách khi đối mặt với mức sinh quá thấp.
Để khuyến sinh, các nước đã có chính sách hỗ trợ vật chất (nhà ở, trợ cấp tiền khi sinh con, nghỉ đẻ…) cho các gia đình trẻ. Tuy nhiên, hiệu quả không cao và vẫn đang rơi vào tình trạng dân số giảm, dân số già và thiếu lao động.
Thay đổi chính sách dân số ở Việt Nam, thời điểm này, là đúng đắn?
Đây là thời điểm có tính chất bước ngoặt, điểm khởi đầu cho một thời kỳ mới của chính sách đối với lĩnh vực sinh sản và điều chỉnh mức sinh ở nước ta. Đồng thời, cần có chính sách thích hợp đối với các khu vực, các vùng, các tỉnh có mức sinh thay thế và chưa đạt mức sinh thay thế.
Linh hoạt điều chỉnh
Ở góc độ xây dựng chính sách, làm thế nào để có một mức sinh phù hợp, phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội và có tính dự báo?
Theo tôi, nên cho phép các địa phương xử lý vấn đề “mức sinh” một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Do có nhóm tỉnh mức sinh rất thấp, kinh tế phát triển khá và nhóm tỉnh mức sinh còn cao, kinh tế chưa phát triển nên cần cho phép các địa phương xử lý vấn đề “mức sinh” một cách linh hoạt về mục tiêu và giải pháp. Chẳng hạn, không đồng loạt đặt mục tiêu “giảm sinh” hay miễn phí phương tiện, dịch vụ tránh thai như trước đây.
Có ý kiến cho rằng, ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, việc hạn chế mức sinh vẫn là cần thiết?
Tuy mức sinh giữa các tỉnh còn khác biệt nhưng khoảng cách đã giảm đi nhiều. Như đã nói ở trên, năm 1999, số con bình quân của một phụ nữ của các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum gấp hơn 3 lần số con bình quân của một phụ nữ TPHCM năm 2009 chỉ hơn 2 lần.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời gian đạt mức sinh thay thế của các tỉnh chưa đạt mục tiêu này còn khá xa thậm chí phải hơn 1/4 thế kỷ nữa, như trường hợp các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai. Việc phải có chính sách dân số đặc thù cho từng vùng miền là cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Tô Hội (thực hiện)