Hạt muồng khi thủy phân sẽ cho emodin và glucoza, ngoài ra còn có chất đạm, chất béo, khi rang lên có mùi thơm đặc trưng như mùi cà phê. Hạt muồng có tác dụng làm tăng sự co bóp của ruột, làm cho tiêu hóa được tăng cường, đại tiện dễ dàng, phân mềm và lỏng, không táo bón, không đau bụng. Ngoài ra còn có tác dụng diệt khuẩn, dùng chữa bệnh nấm da, ghẻ và hắc lào.
Theo tài liệu cổ, hạt muồng có vì mặn, tính bình, đi vào hai kinh can và thận có tác dụng thanh can, ích thận, khử phong, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện. Dùng để chữa bệnh đau mắt đỏ, đau đầu, chảy nước mắt nhiều. Xin giới thiệu một số bài thuốc có hạt muồng.
Chữa cao huyết áp, mất ngủ. Hạt muồng sao đen, hàng ngày đun 20g với 1 lít nước uống trong ngày để nguội. Có thể kết hợp với một số vị thuốc an thần khác.
Chữa mờ mắt, hoa mắt, mắt có dấu hiệu ruồi bay. Hạt muồng sao vàng 2g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g sắc uống trong ngày.
Chữa táo bón, trĩ, xuất huyết dưới da. Hạt muồng sao đen 12g, hoa hòe 10g, 2 vị thuốc sắc kỹ uống trong ngày, uống kéo dài khi nào khỏi thì dừng. Có thể đem rang vàng rồi xay nhỏ mịn 2 vị thuốc này, trộn lẫn uống ngày 2 lần, mỗi lần 5g với nước lọc.
Chữa hắc lào. Hạt muồng 20g, rượu trắng 50ml, giấm 5ml ngâm 10 ngày. Rửa sạch vết hắc lào, bôi thuốc ngày 2 lần, khi nào khỏi thì dừng.
BS Đức Quang (Viện Châm cứu T.Ư)