Haima 7X-E giá hơn 1,1 tỷ, có thu hút khách hàng Việt?

Giá bán cũng như trang bị bên ngoài là trở ngại lớn đối với Haima 7X-E trên con đường thuyết phục người Việt, chưa kể yếu tố thương hiệu.

Mới đây, thương hiệu ô tô Trung Quốc Haima cùng nhà phân phối Carvivu đã ra mắt 2 mẫu xe tại Việt Nam, bao gồm 7X và 7X-E. Trong đó, Haima 7X-E là phiên bản thuần điện của mẫu xe 7X. Đồng thời, đây cũng là mẫu MPV thuần điện đầu tiên được bán ở thị trường Việt.

Tại Việt Nam, Haima 7X-E có 2 phiên bản là Tiêu chuẩn và Cao cấp. Giá bán tương ứng của 2 phiên bản này là 1,111 tỷ đồng và 1,23 tỷ đồng. Những khách hàng đặt cọc cam kết 30 triệu đồng sẽ được trừ thẳng 100 triệu đồng vào giá xe. Giá sau ưu đãi của Haima 7X-E là 1,011 tỷ đồng (bản Tiêu chuẩn) và 1,13 tỷ đồng (bản Cao cấp).

Kiểu dáng Haima 7X-E chưa thuyết phục người mua

Không có gì ngạc nhiên khi Haima 7X-E sở hữu thiết kế và thông số cơ bản giống “người anh em” 7X. Xe cũng sở hữu kích thước dài - rộng - cao lần lượt là 4.815 x 1.874 x 1.720 mm và chiều dài cơ sở 2.860 mm. Với kích thước này, cặp đôi MPV đến từ Trung Quốc sẽ là đối thủ của Toyota Innova Cross và Hyundai Custin tại Việt Nam.

Tương tự 7X, Haima 7X-E được thiết kế theo phong cách sắc sảo với những đường dập gân và cắt xẻ góc cạnh. Là ô tô điện, mẫu xe này không có lưới tản nhiệt phía đầu.

Ở bản Tiêu chuẩn, mẫu xe MPV Trung Quốc chỉ có đèn pha Halogen khá lạc hậu, trong khi bản Cao cấp dùng đèn pha LED với tính năng tự động bật/tắt và điều khiển đèn chiếu xa thông minh. Cả hai phiên bản đều được trang bị vành hợp kim 18 inch, cửa mở thông thường, thay vì cửa lùa chỉnh điện bên sườn và sưởi kính chắn gió sau. Những trang bị như cửa sổ trời toàn cảnh Panorama, thanh giá nóc, chức năng sấy gương chiếu hậu và cửa cốp chỉnh điện tích hợp cảm biến đá cốp chỉ dành cho bản Cao cấp.

Nội thất đậm chất công nghệ Trung Quốc

Bên trong Haima 7X-E là không gian nội thất 7 chỗ với cấu hình 2+2+3. Trang bị nội thất ở bản Tiêu chuẩn khá nghèo nàn với chức năng ngả ghế sofa dành cho 2 hàng ghế đầu, hàng ghế thứ hai ngả lưng 56 độ, hàng ghế thứ 3 gập 60:40, điều hòa độc lập và ổ điện 12V.

Điểm sáng hiếm hoi của bản Tiêu chuẩn là bảng đồng hồ kỹ thuật số và màn hình cảm ứng trung tâm cùng có kích thước 12,3 inch, hỗ trợ kết nối với điện thoại thông minh qua phần mềm Hicar của Huawei.

Trong khi đó, những tính năng như sưởi/thông hơi ghế trước, đóng/mở cửa kính một chạm/chống kẹt ở 4 cửa, hệ thống lọc không khí, màng lọc bụi PM2.5, điều khiển bằng giọng nói, kết nối với các thiết bị trong nhà và sạc điện thoại không dây chỉ được trang bị cho bản Cao cấp.

Ngoài ra, Haima 7X-E cao cấp Premium có thêm phần mềm hỗ trợ Hicar của Huawei kết nối với điện thoại thông minh; hình ảnh hỗ trợ lái xe 540 độ...

Động cơ và trang bị an toàn

Tương tự tính năng tiện nghi, các trang bị an toàn cũng có sự khác biệt giữa 2 phiên bản. Bản thấp hơn Haima 7X-E Comfort bị cắt giảm khá nhiều trang bị như: Không có cửa sổ trời panorama; đèn chiếu sáng trước halogen; không có chức năng sưởi ghế trước, sấy gương chiếu hậu, cửa hậu điện tử, chế độ lọc không khí, phần mềm hỗ trợ Hicar; ít hơn 2 túi khí và thiếu một số tính năng lái xe thông minh khác.

Lên bản Cao cấp, xe mới có 6 túi khí, cảm biến đỗ xe phía trước, camera 360 độ, hệ thống hỗ trợ chuyển làn đường, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ giới hạn tốc độ, phanh khẩn cấp chủ động, cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn đường, cảnh báo mở cửa, hỗ trợ đỗ xe tự động và hỗ trợ đỗ xe điều khiển từ xa.

Dù ở phiên bản nào, Haima 7X-E cũng dùng mô-tơ điện nằm trên cầu trước với công suất tối đa 201 mã lực và mô-men xoắn cực đại 340 Nm. Cụm pin có dung lượng 71,37 kWh, cho phép xe chạy được 460 km sau một lần sạc đầy theo tiêu chuẩn NEDC. Thời gian nạp pin từ 30-80% bằng bộ sạc nhanh là 27 phút. Nếu dùng bộ sạc chậm AC, thời gian sạc đầy pin là 11,5 tiếng. Ngoài ra, bản Cao cấp còn đi kèm cáp sạc và nguồn cấp ngoài 220V.

Dù được đánh giá là có ngoại hình đẹp nhưng hơi lạc hậu so với các đối thủ, tuy nhiên nội thất xe lại rộng rãi và nhiều công nghệ là điểm cộng duy nhất. Với yếu tố xuất xứ cùng việc thương hiệu Haima vốn không phải là thương hiệu mạnh tại thị trường nội địa, MPV 7X-E chắc chắn sẽ gặp khó tại thị trường Việt Nam.

Giá cao cũng là điểm bất lợi cho Haima. Nhìn sang các đối thủ đến từ Nhật, Hàn như Toyota Innova Cross hay Hyundai Custin, các mẫu xe đều được định giá dưới 1 tỷ đồng. Trên thực tế, những mẫu xe chạy xăng của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua, đa phần là giá rẻ với mức giá dao động 500 - 700 triệu đồng và doanh số không cao.

Theo Đời sống
Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo của TMT Motors có vẻ đang mang đến sự tích cực về mặt truyền thông với hàng loạt trang bị và công nghệ. Liệu "canh bạc" này có bị đối thủ VinFast VF5 "đánh bại" trong phân khúc SUV hạng A tại Việt Nam?
back to top