Hái sơn tra trên những "bậc thang lên thiên đường"

(khoahocdoisong.vn) - Mù Cang Chải gây thương nhớ tha thiết cho du khách bởi còn có quả táo mèo - hay sơn tra. Tháng 9, tháng 10 hàng năm, hãy thử bước lên những bậc thang giữa ngàn mây để khám phá thêm bao điều kỳ thú quanh loại trái cây tưởng như bình dị này.

Sơn tra “cách bốn quả đồi/ Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng”

Người H’Mông nổi tiếng với việc sinh sống trên những ngọn đồi cao, xa xôi nhưng cây sơn tra còn mọc ở những nơi cách trở gấp bội. Thế mà, giống như cô gái trong bài thơ trên, dù có van chàng trai đừng yêu mình song người chân tình vẫn tới. Người H’Mông cũng tìm đến cây sơn tra với tấm lòng như vậy.

Những quả sơn tra giữa núi rừng Tây Bắc.

Những quả sơn tra giữa núi rừng Tây Bắc.

Tính từ thị trấn Mù Cang Chải, đi ô tô chưa tới 20km nhưng do đường đèo dốc, chúng tôi phải mất tới cả tiếng đồng hồ mới đến điểm tạm dừng chân. Từ đây, chỉ có những con chiến mã bằng sắt mới có thể đưa tôi đến với ngọn đồi sơn tra ở tít mù tắp đâu đó. Giàng A Sở - người đồng hành với tôi, phác một động tác tay chỉ lên trời, tôi bắt đầu cảm thấy vừa háo hức vừa nghi hoặc: “Liệu mình có thể tận tay hái thứ quả đó không?”

Quả sơn tra đem lại thu nhập cho nhiều người dân nơi đây.

Quả sơn tra đem lại thu nhập cho nhiều người dân nơi đây.

Trên chiếc xe wave mới cóng, chúng tôi bắt đầu hành trình qua “tám vạn chín nghìn” khúc cua - cái cụm từ mà chúng tôi hay nói quá khi làm cái gì đó thật nhiều lần, nhưng ở Háng Gàng, có lẽ nó khá khớp với thực tế. Tôi tranh thủ trò chuyện với Giàng A Sở.

Nhà A Sở có 7 anh em, chia nhau 3 quả đồi sơn tra. Ông bà anh được coi là những người đầu tiên đến khai phá bản Háng Gàng, do đó, họ cũng sở hữu nhiều đồi sơn tra nhất. Theo lời anh Trần Trung Kiên (Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), sơn tra ở bản này nổi tiếng là ngon nhất vùng.

Thu hoạch sơn tra.

Thu hoạch sơn tra.

“Vút! Vút…”, tay lái lụa của anh Sở đưa tôi qua những ngọn đồi, những con đường nhỏ bám vào một bên là núi, một bên là vực sâu một cách không do dự, bởi vì anh đã quen từng khúc cua, từng viên đá dọc lối đi. “Khục! Xoẹt xoẹt!” đó là khi chúng tôi gặp ổ gà trên một đoạn đường lầy lội, cứ vết bánh xe sau đi vào vết bánh xe trước, anh Sở vẫn vít ga, hai chân như hai mái chèo để cân bằng và rồi vụt qua đoạn khó. Anh vẫn vui miệng kể, có năm sạt lở, mấy gia đình phải cùng nhau thuê máy xúc lên tận đây, làm lại đường để đi hái quả đấy.

Chí tua di - Ngọt thơm và chua chát

Sau thêm 1 tiếng đồng hồ nữa trên con ngựa sắt, cuối cùng tôi cũng được tận mắt thấy ngọn đồi sơn tra. Quả sơn tra theo cách gọi của người H’Mông là “chí tua di”. Trang Thông tin điện tử Yên Bái cho biết, cây sơn tra phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, chiều cao trung bình chừng 7 - 10m, thân gỗ, tán lá rộng. Trong Đông y, sơn tra là một vị thuốc quý.

Sơn tra được hái để bán.

Sơn tra được hái để bán.

Quý thế nào có lẽ phải có thời gian thẩm định, tôi chỉ biết rằng, mình đã phải lòng cánh rừng trước mặt mất rồi. Những cây sơn tra cao hơn tầm mắt một chút, cành lá xanh điểm xuyến màu đỏ của mùa thu, lúc lỉu những chùm quả vàng nhạt, đu đưa trong gió, nhập vào với đồi núi biêng biếc phía xa tạo thành bức tranh tuyệt tác.

Đi qua những cây sơn tra đầu tiên, tôi cảm thấy mình đang được ướp trong hương thơm ngọt, dịu mát đặc trưng của loại táo này. Toàn bộ thân thể, tâm trí tôi thấm đẫm hương vị sơn tra. Giàng A Sở trèo lên một cây mà anh nói khoảng 10 năm tuổi, vặt một quả trong tầm tay, cắn một miếng, rồi bảo: Đây là cây ăn này, thử đi! Cây nào mà chẳng để ăn, tôi nghĩ thế, nhưng vẫn háo hức cắn cái “rột”. Ồ, hóa ra sơn tra là thế! Đã ăn bao nhiêu trái ở phố, nhưng chưa bao giờ tôi thấy vị ngọt mát thanh tao đến thế, chân răng tứa ra sự thèm thuồng, chưa kịp nhai kỹ hơn thì miếng ngon đã rơi tọt xuống cổ, để lại cái bùi bùi trong khoang miệng. Hẳn là có một chút vị chát, nhưng nó thoảng qua và quyện vào với vị ngọt bùi khiến tôi không còn chú ý tới nó nữa.

Phơi khô sơn tra.

Phơi khô sơn tra.

Lúc này tôi mới tỉnh táo trở lại để hỏi anh Sở về cái gọi là “táo ăn”. Người H’Mông sành về táo, họ quan sát và nếm thử, cây nào ngon thì để riêng, ăn sống hoặc làm nước ngọt uống, cây nào vị chát nhiều thì dành ngâm rượu. Táo ăn bao giờ cũng đắt gấp mấy lần táo ngâm. Năm được mùa, táo ăn bán khoảng 20-30 nghìn/kg, táo ngâm chỉ 5-6 nghìn/kg. Năm nay mất mùa, Giàng A Sở lại phấn khởi, vì đồi táo nhà anh không bị chung cái nạn ấy. 1kg táo ăn có giá lên đến 50-60 nghìn, táo ngâm khoảng 15-25 nghìn đồng.

Hái táo thì trèo lên cây mà vặt thôi, nhưng để đem ra thị trấn bán không phải đơn giản. Vẫn con đường ban nãy tôi đi, mỗi chiếc xe sẽ chở được 2-3 bì táo, mỗi bì 50-60kg tùy tay lái. Một ngày, như anh Sở có thể đi 3-4 chuyến, nếu suôn sẻ thì chỉ phải đổ xăng xe và thay dầu mỗi ngày một lần. Còn nếu không suôn sẻ?... Tôi chẳng dám nghĩ tới, nhưng Giàng A Câu, em anh Sở thì thật thà nói: “Đầy tay lái lâu năm vẫn ngã đấy, bị thương, bị chảy máu là bình thường mà!” Chính vì con đường xa xôi và khó khăn như thế, những năm được mùa, cái giá vài nghìn đồng cho 1kg táo không bõ để người ta bất chấp nguy hiểm để đi hái. Nhưng táo thì vẫn chín, vẫn miệt mài tỏa hương thơm khắp những ngọn đồi để rồi rụng đi trong lặng lẽ.

Những quả sơn tra trên đường "xuống núi".

Những quả sơn tra trên đường "xuống núi".

Nghĩ đến đó, bỗng dưng tôi chạnh lòng nhớ lại buổi sáng hôm trước, trong phiên chợ ngay trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, bao khách du lịch đã quay lưng bỏ đi, đã ngã giá triệt trong đắc ý. Rồi tôi thấy cũng hợp lý làm sao, khi hết vị ngọt, chí tua di cho ta nuốt thêm một chút chua chát.

Sơn tra có tác dụng tiêu thực chữa đầy bụng, ợ chua, cầm tiêu chảy, hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp của tim. Hạt và ruột có nhiều tính năng giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây ra…Có nhiều cách chế biến, thưởng thức sơn tra như ngâm rượu, làm xi rô, mứt, ô mai, muối xổi…

Điểm chung trong các hướng dẫn chế biến là ngâm nước muối cho bớt chát, đa phần mọi người thích thế - như tôi trước kia. Nhưng bây giờ, tôi tha thiết muốn giữ lại dư vị không mấy dễ chịu đó, như một cách để nhắc mình nhớ về cả rừng chí tua di rơi rụng trong lãng quên lúc được mùa, nhớ về những đôi chân bám núi, những tay lái đã ngã trên đèo, để mang đến cho phố thị thêm một loại đặc sản kỳ thú.

P.Diễm

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top