Loét hoại tử lớn từ tai tới ngực tưởng do quai bị
Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa điều trị cho ca bệnh biến chứng loét diện rộng vùng ngực, cổ do biến chứng Đái tháo đường. Bệnh nhân K.V.V, (66 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, sưng tấy đỏ, nhiều vị trí hở lớn, chảy mủ.
Nguyên nhân bệnh nhân bị ĐTĐ typ 2 cách đây 10 năm, đang điều trị isulin hàng ngày tại Bệnh viện Sơn Tây. Trước nhập viện gần 20 ngày bệnh nhân xuất hiện sưng đau vùng cổ, mang tai phải, ăn uống kém, nuốt đau tức. Tuy nhiên do chủ quan, nghĩ bị lên quai bị nên người nhà bệnh nhân đã không đưa đi khám mà tự ý ở nhà dùng lá đắp vào vùng bị tổn thương đồng thời tự mua kháng sinh không rõ loại uống tại nhà trong vòng 10 ngày nhưng không đỡ, vết thương vẫn tấy đỏ và lan dần khắp toàn ngực.
Người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện tỉnh và bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Răng -Hàm -Mặt Trung Ương. Sau khi được trích lấy mủ và dẫn lưu vùng áp xe tại Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, người bệnh đã được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tiếp tục tìm nguyên nhân và điều trị tiếp.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao lên tới 22mmol/l, vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, phát nề đỏ, chảy mủ. Ngay lập tức bệnh nhân đã được xử trí bằng việc cắt lọc vết loét hoại tử, bơm rửa liên tục hàng ngày đồng thời kiểm soát đường huyết, kháng sinh toàn thân tích cực.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, đây là một trong những trường hợp điển hình do sự chủ quan của người bệnh. Trong thời gian vừa qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tự ý chữa ĐTĐ bằng các bài thuốc dân gian, sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này không những không cải thiện được tình trạng viêm loét mà còn dẫn đến nguy cơ dị ứng khiến vết loét lan rộng khó chữa trị, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi, thậm chí đã có không ít ca bệnh tử vong.
Biến chứng loét da ở bệnh nhân đái tháo đường |
Được kiểm soát tỷ lệ tử vong vẫn cao
PGS.TS Tạ Văn Bình, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết cho biết, các nhiễm trùng da xuất hiện với tỷ lệ mắc mới cao hơn ở người bệnh ĐTĐ kiểm soát kém. Một thực tế là từ khi các chế độ kiểm soát ĐTĐ được cải thiện với các tiêu chuẩn gần như sinh lý, việc sử dụng các kháng sinh mới trong điều trị, nguy cơ nhiễm trùng liên quan đến ĐTĐ đã giảm đi đáng kể. Nhưng cho đến nay, nhiễm trùng và các biến chứng bàn chân như các biến chứng thứ phát của đái tháo đường vẫn còn là nguyên nhân hàng đầu gây đau ốm và tử vong ở người bệnh ĐTĐ.
Cơ chế bệnh sinh của nhiễm trùng ĐTĐ thường là đa yếu tố. Các yếu tố dẫn dắt bao gồm tăng glucose máu, đặc biệt là đối với các nhiễm trùng candida; rối loạn vi tuần hoàn; giảm tiết mồ hôi; mất cảm giác thứ phát do bệnh thần kinh ngoại vi (mất cảm giác bảo vệ, LOPS); và giảm khả năng ức chế miễn dịch qua trung gian tế bào. Nữ giới thường dễ bị các nhiễm trùng hơn nam.
Nhiễm trùng thường gặp nhất ở những người bệnh có ĐTĐ kiểm soát kém là candida. Trong nhiều trường hợp nó có thể của chỉ điểm đầu tiên của ĐTĐ không được chẩn đoán. Nhiễm trùng thường phát triển ở những người bệnh cao tuổi, có thời gian dài mắc bệnh ĐTĐ hoặc người ĐTĐ nhưng kiểm soát kém. Các cơ quan bị tác động là lưỡi, khóe miệng, móng chi, bộ phận sinh dục ngời (đặc biệt là viêm âm hộ, âm đạo ở nữ và viêm quy đầu ở nam), các nếp gấp da khác.
Các bệnh nấm da cũng có xu hướng ngày càng hay gặp. Những tổn thương này có thể là yếu tố khởi đầu cho quá trình dẫn đến các nhiễm trùng thứ phát ở những vùng mà sự toàn vẹn của da bị tổn hại. Thường thì các vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong các nhiễm trùng không đe dọa chi là tụ cầu vàng và liên cầu tan máu β. Hình ảnh lâm sàng có thể gặp là chốc, viêm quầng, viêm mô dưới da, mụn mủ cũng như viêm nang nông, nhọt và nhọt độc.
Điều trị lựa chọn các nhiễm trùng ở người bệnh ĐTĐ là thuốc hoặc kháng sinh kháng nấm thích hợp, dùng tại chỗ, toàn thân hoặc tiêm truyền cũng như kiểm soát chặt đường máu. Cắt lọc bằng phẫu thuật các mô chết cần được cân nhắc khi có chỉ định. Tuy nhiên, cần chú ý hơn với những khía cạnh đặc biệt trong xử lý các vết loét và nhiễm trùng bàn chân. Chúng bao gồm hạn chế chịu lực cho chân bị tổn thương và đánh giá tuần hoàn của vùng tổn thương. Đặc biệt, cần phải nhớ rằng chính các nhiễm trùng có thể thay đổi kiểm soát đường máu.
Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng da và bàn chân do ĐTĐ theo các chuyên gia, chủ động phòng ngừa biến chứng là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường. Đối với những trường hợp mắc ĐTĐ nhiều năm xuất hiện vết xước ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng chân người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ mà cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra có kế hoạch điều trị tích cực, kiểm soát đường huyết, thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học nhằm ngăn ngừa biến chứng nặng thêm....
Khoảng 30% người bệnh ĐTĐ có tổn thương da ở những hình thái và giai đoạn khác nhau. Nguyên nhân các tổn thương da phần lớn do nhiễm nấm và lở loét do nhiễm khuẩn. Bởi ĐTĐ làm thay đổi một số tính chất của da, làm suy giảm chức năng tự bảo vệ của da. Người ta thấy các biến chứng da liên quan đến ĐTĐ, bao gồm giảm khả năng lành vết thương, nhiễm trùng da và bệnh da ĐTĐ.
Điều đáng lưu ý là một trong số các biến chứng này có liên quan trực tiếp với tình trạng ĐTĐ trong khi những biến chứng khác xuất hiện với tỷ lệ cao ở người bệnh ĐTĐ nhưng lại không phải đặc trưng của bệnh.