Theo giải trình của lãnh đạo Habeco Hải Phòng, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý II/2020 là âm 1,8 tỷ đồng, giảm 7,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là do quý II chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nghị định 100 và dịch bệnh Covid-19. Theo đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc sản xuất không được ổn định và liên tục cùng với việc giá một số nguyên liệu chính tăng lên khiến tăng giá thành sản xuất, chi phí chính tăng thêm 34,2%.
Habeco Hải Phòng. |
Tính đến hết tháng 6/2020, Habeco Hải Phòng ghi nhận khoản lỗ lũy kế sau thuế là 4 tỷ đồng, giảm 9,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ lãi cận biên là 0,45%, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 27,6% của Sabeco hay 10,2% của Habeco Hải Dương trong quý 1/2020.
Tổng tài sản của Habeco Hải Phòng tính đến ngày 30/6/2020 ước đạt 270 tỷ đồng, giảm 14,2% so với đầu năm (tương đương giảm 45 tỷ đồng). Trong khi đó, hàng tồn kho lại tăng 74%, tương ứng với 11,8 tỷ đồng. Đóng góp cho mức tăng này chủ yếu đến từ 10,4 tỷ đồng giá trị tồn kho các mặt hàng bia, rượu thành phẩm. Đây cũng là nguyên nhân kéo dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh xuống âm 37 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh yếu kém với nhiều khoản phải trả tăng lên khiến cho dòng tiền của Habeco trong 6 tháng vừa qua bị hao hụt đi rất nhiều.
Mặc dù công ty đã bổ sung nguồn thu từ đi vay là 172,5 tỷ đồng để bù đắp nhưng vẫn không đủ. Lưu chuyển tiền thuần trong nửa đầu năm 2020 của Sabeco là âm 22 tỷ. Tiền mặt trong công ty chỉ còn 82 triệu đồng, các khoản tương đương tiền gồm tiền gửi ngân hàng còn 1,5 tỷ đồng, giảm 93% so với đầu kỳ.
Tiêu cực hơn, dòng tiền lưu chuyển âm, tiền mặt thiếu khiến cho khả năng thanh khoản trong ngắn hạn của Habeco Hải Phòng gần như không có (0,01 lần).
Nợ phải trả ngắn hạn của Habeco Hải Phòng vào thời điểm 30/6/2020 là hơn 144 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn 87 tỷ đồng. Điều này dẫn tới sự mất cân đối tài chính, cho thấy công ty đã sử dụng một phần nợ ngắn hạn để chi trả cho tài sản dài hạn. Từ đó, công ty luôn phải “giật gấu vá vai” thường xuyên phải đảo nợ ngắn hạn, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản. Nhấn mạnh rằng, sự mất cân đối tài chính như vậy đã diễn ra trong nhiều năm nay ở Habeco Hải Phòng. Hiện, chủ nợ lớn của Habeco Hải Phòng là VIB với 33,8 tỷ đồng.