Hà Tông Mục – mẫu mực của đạo làm quan

Hà Tông Mục

Hình minh họa

Dòng họ văn hiến

Hà Tông Mục sinh ngày 25/9/1653 tại làng Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ Hà Tông được lịch sử ghi nhận là một dòng tộc “văn hiến”, nhiều đời đều có người là trụ cột của đất nước.

Hà Tông Mục là cháu bảy đời của Hà Tông Trinh (1434 – 1511), Thượng thư ba bộ Binh, Hình, Công và Tế tửu Quốc Tử Giám thời Lê Sơ.

Hà Tông Mục đỗ tiến sĩ năm 1686, đỗ đầu kỳ thi ứng chế, dành cho các tiến sĩ ở điện Vạn Thọ với đề thi trực tiếp vua ra. Mấy năm sau, ông lại đỗ khoa Đông Các, khoa thi đặc biệt chỉ dành cho những người đã đỗ tiến sĩ và đang làm quan.

Ông từng giữ các chức quan trọng như Nội tán thủy sư (coi việc thủy quân), Biên tục quốc sử quán, Đốc đồng (trấn giữ) hai xứ Tuyên – Hưng (Tuyên Quang và Hưng Hóa), Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu Kinh đô), Chánh sứ, Tả thị lang bộ Hình… Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, tấm bia tiến sĩ lập năm Vĩnh Thịnh thứ 18 (1717) có ghi tên Hà Tông Mục đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4/1697, năm Chính Hòa thứ 18, Hà Tông Mục làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên kinh thành Thăng Long, ông đã cùng Lê Huy, Nguyễn Quý Đức và 20 tiến sĩ soạn cuốn “Đại Việt sử ký tục biên”.

Năm Chính Hòa thứ 20 (1699), Hà Tông Mục được triều đình giao trọng trách đàm phán, đấu tranh với đại diện triều đình nhà Thanh, ngăn chặn không cho quân Thanh xâm chiếm vùng châu Bảo Lạc (Cao Bằng). Tháng 4 năm 1699, Hà Tông Mục cùng Nguyễn Hành kinh lược miền Tây châu Bảo Lạc, nơi có biên giới giáp với châu Trấn Yên của nhà Thanh “thực thi” nhiệm vụ.

Trước đó, quân Thanh đã vượt biên giới sang Bảo Lạc cướp bóc, nhũng nhiễu, làm dân địa phương phải bỏ ruộng nương, nhà cửa vào rừng sâu lánh nạn nên rất đói khổ; trong lúc quan quân địa phương yếu thế không thể chế ngự được chúng.

Đến Bảo Lạc, Hà Tông Mục nắm tình hình rồi gửi thư cho viên quan Sầm Sa Phương, đại diện nhà Thanh, nói rõ sự việc, phân tích phải trái với lý lẽ sắc bén, nêu lên những hành động vi phạm nghiêm trọng mối quan hệ bang giao giữa hai nước của quân Thanh. Sầm Sa Phương đáp thư, tỏ ý hổ thẹn và tạ lỗi, xin rút quân về nước.

Nhờ đó, nhân dân vùng biên ải Bảo Lạc an cư lập nghiệp, yên ổn làm ăn. Trở về Thăng Long, Hà Tông Mục được chúa Trịnh khen là người có tài ngoại giao và phong làm Tự Khanh hành, đô cấp sự trung.

Năm Quý Mùi (1703), triều đình cử Hà Tông Mục làm Chánh sứ sang triều đình nhà Thanh tìm cách giải quyết hòa hiếu giữa hai nước. Do ứng xử, đối đáp khéo léo và thông minh, Hà Tông Mục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn được vua Khang Hy nhà Thanh nể trọng, tặng bức đại tự, do chính nhà vua viết ba chữ “Nhược xung hiên”, khắc gỗ và sơn son. Bức đại tự này hiện còn lưu giữ tại đền thờ Hà Tông Mục ở quê hương ông, ba chữ đó nghĩa là “khiêm nhường, trí tuệ và chí khí cao cả”.

Sự thành công trong việc giải quyết các vụ xâm lấn ở Bảo Lạc và trong lần đi sứ sang nhà Thanh của Hà Tông Mục, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một thời kỳ bang giao hòa bình, hữu hảo, biên giới giữa hai nước láng giềng bình yên trên nửa thế kỷ. Không chỉ là một nhà ngoại giao tài năng, xuất sắc Hà Tông Mục còn là mẫu mực của đạo làm quan.

Ngày 16 tháng 2 năm Giáp Thân (1704), Hà Tông Mục được thăng chức Tả thị lang bộ Hình, tước Hoan Lĩnh nam. Năm Bính Tuất (1706), ông giữ chức Tham chính, Thừa chính xứ Sơn Nam. Do bệnh nặng, Hà Tông Mục mất ngày 7 tháng 3 năm Đinh Hợi (1707).

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top