5 kết quả nghiên cứu nổi bật được trình bày tại hội thảo bao gồm: Nghiên cứu ô nhiễm không khí thời kỳ Covid-19 do một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, Sở TN&MT Hà Nội cùng Live & Learn thực hiện đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đến chất lượng không khí, sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng. Hệ thống mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết (WRF-Chem) được triển khai và kiểm chứng đối với các biến khí tượng và khí quyển của các trạm quan trắc mặt đất ở miền Bắc để mô phỏng chất lượng không khí ở miền Bắc. Nó cũng có thể dùng để đánh giá phát thải của việc đốt sinh khối rơm rạ trong mùa hè. Quá trình không khí thay đổi theo thời gian này được nhóm nghiên cứu trực quan hóa bằng video.
Nghiên cứu “Tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam” từ 10/2018 - 6/2020, nhằm xem xét đóng góp của các nhà máy điện than vào tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật tử vong sớm liên quan. Nghiên cứu phân tích 4 kịch bản phát triển điện than trong mối tương quan với những nguồn năng lượng sạch hơn. Xây dựng bộ số liệu đầu vào để kiểm kê nguồn thải nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý ô nhiễm koong khí dài hạn ở Hà Nội áp dụng mô hình GAINS với bộ số liệu cấp quốc gia và phân bổ cho TP Hà Nội. Nghiên cứu tập trung vào cập nhật dữ liệu từ các nguồn thải như làng nghề, sinh hoạt dân cư, đốt rơm rạ, giao thông và xây dựng, công nghiệp và năng lượng.
Ngoài ra, Viện Khí tượng Phần Lan (FMI) phối hợp với TP Hà Nội nghiên cứu phân tích xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí cho TP Hà Nội nhằm phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 và xu thế khí hậu nhằm để đánh giá các nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 cho Hà Nội, có tính đến ảnh hưởng từ các tỉnh lân cận.