Hà Nội: “Thủ phủ” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu?

Địa bàn quanh sân bay Gia Lâm kề cận nhiều trụ sở cơ quan thuộc ngành hàng không, khu trung tâm của đoàn tiếp viên, phi công và đặc biệt, phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) được coi là “thủ phủ” hàng xách tay.

Sau vụ 4 tiếp viên hàng không xách 11kg ma túy gây sự chú ý rất lớn, dư luận đặt câu hỏi về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không thế nào? Hàng xách tay từ “đại bản doanh” phố Nguyễn Sơn từ đâu mà có?

Xung quanh vấn đề trên, PV Khoa học và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam); Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội và Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Hà Nội: “Thủ phủ” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu? ảnh 1

Hàng xách tay được bày bán ở phố Nguyễn Sơn.

Có hay không đường dây “đánh” hàng xách tay chuyên nghiệp

- Là xu hướng mua sắm phổ biến hiện nay, hàng xách tay đủ các chủng loại, có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Thái Lan, Nga… Vậy, hàng xách tay có được xem là hàng lậu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hàng xách tay không có nghĩa là hàng lậu. Theo tiêu chuẩn, quy định, hành khách đi máy bay được quyền mang theo một lượng hành lý, hàng hóa xách tay bao nhiêu kg và được miễn cước. Khi họ bán lượng hàng xách tay này ra thị trường, phải theo quy định của pháp luật Việt Nam về hàng hóa, theo quy định như các hàng hóa khác.

Hà Nội: “Thủ phủ” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu? ảnh 2

Chủ tịch Hội Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

- Phố Nguyễn Sơn (Hà Nội) được mệnh danh là “thủ phủ” hàng xách tay. Có hay không đường dây chuyên nghiệp “đánh hàng”?

Ông Vũ Vinh Phú: Nếu nhìn bình thường tại phố Nguyễn Sơn, các cửa hàng xách tay chỉ mỗi thứ một tí mang về bán như buôn bán vặt. Nhưng thực ra, tôi được biết có những cửa hàng vận hành như đường dây xách tay từ nước ngoài về, với khối lượng rất lớn, nhưng hiện chưa cơ quan nào xem xét, kết luận.

Có khi cửa hàng như vậy nhưng kho lại ở chỗ khác. Đây là những hàng hóa có thể chưa được kiểm tra về chất lượng, thậm chí nhiều mặt hàng không có hóa đơn chứng từ. Hàng xách tay tại đây phức tạp giữa hàng lậu và không lậu, thật giả lẫn lộn, phải kiểm tra mới làm rõ được.

Nhiều hàng xách tay qua đường hàng không khiến dư luận đặt nghi vấn về đường dây “đánh hàng” chuyên nghiệp.

Kỷ luật người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu trong lĩnh vực hàng không

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 1480 về việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với nhân viên hàng không. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp hàng không quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị và người phụ trách triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc.

Các doanh nghiệp này phải quán triệt sâu sắc đến nhân viên về tác hại đối với hình ảnh của đất nước và doanh nghiệp từ hành vi tiếp tay hoặc tham gia vi phạm pháp luật; chủ động tăng cường kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; yêu cầu toàn bộ nhân sự tham gia dây chuyền vận chuyển hàng không phải "làm đúng quy trình."

Riêng với các hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm.

Cục Hàng không Việt Nam giao nhiệm vụ cho các sân bay chỉ đạo lực lượng an ninh hàng không tăng cường kiểm soát người và đồ vật mang vào khu vực hạn chế; kiên quyết xử lý trường hợp vào khu vực hạn chế không đúng mục đích, vận chuyển các đồ vật không nằm trong danh sách đăng ký.

Trách nhiệm quản lý hàng xách tay thuộc về ai?

- Hàng xách tay chủ yếu qua đường hàng không, trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Ông Vũ Vinh Phú: Sự chênh lệch về vàng, USD, thuốc lá, rượu… mang lại những nguồn thu lãi lớn nên thu hút bộ phận người dân tham gia đường dây đánh hàng xách tay.

Hà Nội: “Thủ phủ” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu? ảnh 3

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Hàng xách tay hay không trên thị trường là trắng đen lẫn lộn. Lúc này, vai trò của các cấp quản lý, cán bộ là rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng buôn bán này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hàng hóa xách tay qua đường hàng không có rất nhiều đơn vị quản lý. Ở sân bay có chi cục hải quan, khi lưu thông tiêu dùng nội địa, ngành công thương quản lý. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét hàng hóa có thuộc diện cấm kinh doanh hay không, nguồn gốc hàng hóa, cơ quan thuế sẽ kiểm tra xem đã nộp thuế chưa. Các quy định rất cụ thể, quan trọng là thực hiện thế nào.

Thành lập tổ công tác liên ngành để chống buôn lậu qua đường hàng không

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vừa ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để chống buôn lậu qua đường hàng không; gồm 8 thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; trong đó ông Lê Thanh Hải - Ủy viên kiêm Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - là Tổ trưởng. Các thành viên thuộc Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường).

Tổ công tác liên ngành này được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; quyền điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu hàng hóa qua đường hàng không.

- Sau khi xảy ra vụ việc các tiếp viên hàng không xách tay ma túy về nước, Cục Hàng không Việt Nam đã tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, các cơ quan khác như Hải quan cũng có những động thái quyết liệt, hàng xách tay liệu có được quản lý chặt chẽ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trong khâu quản lý đã quy định rõ, hàng xách tay đối với tiếp viên hàng không, hay hành khách đều phải kiểm tra qua máy chiếu khi về Việt Nam. Người nào nhận hàng ký gửi hay của ai khác đều phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Anh không thể nói nhận hàng mà không biết người gửi, không biết hàng hóa thế nào?

An ninh sân bay, an ninh hàng không, hải quan… phải chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra những hành lý, hàng hóa xách tay, ký gửi. Do đó, động thái của các cơ quan chức năng tăng cường, siết chặt quản lý hàng xách tay qua đường hàng không là cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Hà Nội: “Thủ phủ” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu? ảnh 4

- Ở góc độ người tiêu dùng, cần lưu ý gì khi mua, sử dụng hàng xách tay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng xách tay. Hàng nhập khẩu chính ngạch được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát nhưng hàng xách tay các cơ quan chức năng chưa thực sự để mắt đến.

Xin cảm ơn các ông đã trả lời phỏng vấn!

Nhiều vụ tiếp viên hàng không xách hàng cấm

Ngày 16/3 vừa qua, 4 tiếp viên hàng không bị phát hiện trong hành lý chứa 11,2kg ma túy tổng hợp từ Pháp về TPHCM. Sau một thời gian tạm giữ phục vụ điều tra, cơ quan điều tra xác định chưa có căn cứ để khởi tố bị can nên thả tự do cho các tiếp viên này. Cục Hàng không Việt Nam khẳng định các tiếp viên vẫn phải chịu hình thức kỷ luật của ngành, theo đó 4 tiếp viên này sẽ không còn được làm việc trong ngành hàng không.

Trước đó, ngày 20/6/2022, ngay sau vụ 9 tiếp viên hàng không bị nhà chức trách sân bay Melbourne (Australia) giữ lại vì mang theo lượng ngoại tệ lớn, Cục Hàng không đã ban hành Chỉ thị 2677/CT-CHK về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của các thành viên tổ bay của hãng hàng không.

Theo Đời sống
Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
back to top