Trong 2 ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc tạm dừng người giao hàng (hay còn gọi là shipper) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các siệu thị, cửa bán thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Hôm nay (25/7), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị bưu chính viễn thông đăng ký cho nhân viên giao nhận hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính hoạt động.
Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 3462 gửi Sở Công Thương và các đơn vị bưu chính viễn thông, yêu cầu đăng ký cho nhân viên được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ siêu thị và các doanh nghiệp bưu chính bằng xe mô tô 2 bánh. Các shipper tự do chủ yếu phục vụ hàng ăn nhanh vẫn bị cấm hoạt động.
Chiều 25/7, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở Công Thương tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động. Các đơn vị bưu chính tổng hợp danh sách nhân viên giao nhận bưu kiện thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động trên địa bàn thành phố, bao gồm: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động.
“Căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan, đơn vị nêu trên, Sở GTVT thực hiện xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động (online) cho nhân viên vận chuyển qua số điện thoại bằng hình thức tin nhắn. Các đơn vị đăng ký cho nhân viên được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên do đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19”, ông Long cho biết.
Tính đến chiều 25/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép cho 2.200 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động theo “luồng xanh” của Thủ đô. Việc đăng ký hoàn toàn trên mạng và không quá 4 phút đã được cấp phép.
Tuy nhiên, theo phản hồi của các đợn vị kinh doanh vận tải, việc truy cập trang web của Tổng Cục đường bộ Việt Nam để đăng ký thẻ nhận diện phương tiện có mã QR ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” thường xuyên bị nghẽn mạng. Một số chủ phương tiện còn khai thiếu thông tin hoặc chưa đúng. Trước khó khăn đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ chủ sở cơ kinh doanh vận tải:
“Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ khắc phục lỗi đường truyền. Đồng thời Sở thiết lập đường dây nóng với 3 số thoại tiếp nhận phản ánh của người dân. 2 ngày qua, Sở GTVT Hà Nội tăng cường cán bộ hỗ trợ chủ phương tiên, trong đó có nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa biết sử dụng công nghệ cũng đã được hỗ trợ khai hộ…”, ông Long thông tin thêm.
Sau khi nhận được tin nhắn của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo, nhân viên vận chuyển chụp ảnh màn hình tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông Vận tải và xuất trình khi các lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu. Sở Giao thông Vận tải đề nghị Sở Công Thương, các đơn vị bưu chính viễn thông chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, đảm bảo độ chính xác của các thông tin đăng ký và chịu trách nhiệm kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với các nhân viên giao hàng theo danh sách đã đề nghị./.