Hà Nội: Nâng cao nhận thức, phát huy tính chủ động của cộng đồng trong phòng chống thiên tai

(khoahocdoisong.vn) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện 9 nội dung của Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) Quốc gia; cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, đáp ứng tiến độ và hiệu quả.

Năng lực ứng phó được nâng cao

Thực hiện Kế hoạch PCTT Quốc gia, TP Hà Nội đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy định về Quỹ PCTT; quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Hội nghị tuyên truyền phòng tránh giảm nhẹ thiên tai xã Cao Viên huyện Thanh Oai năm 2020.

Hội nghị tuyên truyền phòng tránh giảm nhẹ thiên tai xã Cao Viên huyện Thanh Oai năm 2020.

Hàng năm, UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, xây dựng và phê duyệt phương án PCTT trên địa bàn, làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, sẵn sàng triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra, bao gồm: Kế hoạch PCTT và TKCN; phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm; phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân; phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão; kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống ngập úng khu vực nội thành; phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với các tình huống khẩn cấp của các hồ chứa nước; phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai đến với người dân và chính quyền các cấp luôn được thành phố, các sở, ngành và địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân, tự vệ, từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục PCTT Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, trước khi Kế hoạch PCTT Quốc gia được thông qua, thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, những năm qua, 17 hoạt động thuộc Đề án trên đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại 270 xã, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Song song đó, việc xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình PCTT, gia cố nhà ở và cơ sở hạ tầng khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai theo kế hoạch đầu tư công, các dự án, chương trình, đề án của Trung ương và TP Hà Nội cũng thường xuyên được quan tâm, đáp ứng tiến độ và hiệu quả.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong PCTT

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc triển khai Kế hoạch PCTT Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đơn cử như: Trang thiết bị, vật tư phương tiện tại cấp huyện, cấp xã tuy đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế; lực lượng trực tiếp làm công tác PCTT là kiêm nhiệm, đảm nhiệm nhiều vị trí công việc, chưa được đào tạo chuyên sâu nên còn hạn chế trong tham mưu, báo cáo.

Mặt khác, công tác triển khai Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện đồng bộ. Cùng với đó, việc bố trí kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng các công trình PCTT còn hạn chế, chưa kịp thời; một số dự án thực hiện dang dở do thiếu vốn…

Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai ngày một bất thường, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp ý kiến hoàn thiện Kế hoạch PCTT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất các đơn vị tham mưu cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về xác định thiệt hại, mức hỗ trợ sau thiên tai; cơ chế, chính sách, chế độ cho những người làm công tác PCTT…

Tiếp đến, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong các trường học và tới những cộng đồng dễ bị tổn thương; tiếp tục hướng dẫn và bổ sung trang thiết bị, cơ sở phục vụ PCTT tới cấp xã, phường. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện đánh giá diễn biến dòng chảy, bùn cát và hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời, triển khai đồng bộ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước…

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, điều chỉnh kéo dài thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong PCTT, thu hút vốn đầu tư, sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công tác PCTT, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tiếp tục quan tâm bổ sung, đa dạng nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, Quốc gia, các quy hoạch phòng chống lũ và đê điều đã được phê duyệt...

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top