Hà Nội kiến nghị có cơ chế liên doanh, liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch. Đồng thời có cơ chế cho việc liên doanh, liên kết dự án tại nơi di dời.

Thời gian qua, quận Đống Đa (Hà Nội) đã lập danh mục kiến nghị UBND thành phố cho di dời 14 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô.

Tuy nhiên việc này đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Lý giải việc này, theo UBND TP Hà Nội, hiện nay việc sắp xếp di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch thực hiện theo Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng, Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên các văn bản này còn có một số điểm chưa thống nhất.

Cụ thể, thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng. Nhưng thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Nghị định 167 thì Thủ tướng có thẩm quyền đối với di dời do ô nhiễm môi trường. Còn UBND cấp tỉnh có thẩm quyền sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với cơ sở di dời theo quy hoạch.

Theo Quyết định 130, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời.

Trong khi đó Luật Đất đai quy định có hình thức tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Chính điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp không thống nhất việc đưa các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch vào danh mục di dời.

Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch.

Kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng ban hành cơ chế di dời, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời.

Theo Đời sống
back to top