13ha và gần 300 tỉ để…hi vọng
Công viên hồ điều hoà Nhân Chính nằm trên địa bàn 2 quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Công trình có diện tích đất rộng hơn 13 ha, tổng vốn hơn 298,7 tỉ đồng với hi vọng không chỉ là điểm nhấn làm đẹp cho Hà Nội mà còn cải tạo môi trường sống và chất lượng không khí.
Công viên được xây dựng và chia thành 2 khu chức năng gồm hồ điều hòa diện tích khoảng 8 ha và phần hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, đường dạo 5,23 ha. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như quảng trường phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao ngoài trời, nhà thuyền, bến tàu….
La liệt rác thải dưới đáy hồ điều hòa Nhân Chính. |
Được biết dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2016 và dự kiến đến tháng 6/2017 sẽ đi vào hoàn thiện. Tuy nhiên, sau nhiều lần chậm tiến độ, đến tháng 9/2018, công viên mới chính thức được đưa vào sử dụng.
Nơi đây được xây dựng với kỳ vọng tạo nên một không gian xanh, với diện tích rộng lớn và trở thành “lá phổi” của cả khu vực. Tuy nhiên, thời gian gần đây hồ điều hòa Nhân Chính đã bộc lộ tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Phế thải các loại tập kết trên vỉa hè ven Công viên Thanh Xuân. |
Theo quan sát của PV báo KH&ĐS, mặt hồ điều hòa khá ít nước, mặc dù đang là mùa mưa. Chính vì thế, bao nhiêu rác thải từ dưới lòng hồ lộ ra. Nước có màu đục đen, một số chỗ lờ đờ như nước cháo lòng, và đặc biệt bốc mùi tanh nồng rất khó chịu.
Dự án Công viên Thanh Xuân do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, mục tiêu giúp điều hòa không khí khu vực, tạo môi trường trong lành, tươi mát. Công viên mở cửa phục vụ người dân miễn phí từ 5h đến 23h hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm hiện nay khiến nhiều người dân cảm thấy lo ngại.
Phỏng vấn một cô gái trẻ sống tại khu chung cư Trung Hoà – Nhân Chính, cô gái này cho biết: Thời gian gần đây, nước hồ chuyển màu và mùi hôi thối ngày càng nặng. Chính vì thế mà người dân ít đến đi bộ trong khuôn viên công viên này. Đặc biệt vào những những ngày nắng nóng, không ai có chịu được mùi hôi thối tanh tưởi.
Những ngày nắng nóng, nước hồ cạn trơ đáy, lộ ra nhiều bèo và rác thải đủ loại như túi nilon, chai nhựa, bát hương... Người dân cho biết gần một năm từ khi khánh thành, hồ điều hòa Nhân Chính không được nạo vét và vệ sinh nên ô nhiễm.
Một con mương ô nhiễm ven hồ điều hòa Nhân Chính. |
Thất vọng vì ô nhiễm
Một số nguồn tin cho rằng, sở dĩ nước hồ điều hòa Nhân Chính ô nhiễm bốc mùi là do con mương bên cạnh phía đường Khuất Duy Tiến chảy vào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nước của con mương này không thể xâm nhập vào hồ điều hòa.
Một điều mà dân tình khá lo ngại cho sự ô nhiễm của Công viên Thanh Xuân chính là rác thải. Cổng chính của công viên này tại đường Hoàng Minh Giám rất sạch sẽ, tuy nhiên cổng phụ quay ra một con đường chưa có tên gọi (đang nằm trong dự án – PV) đối diện khu nhà cao tầng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì không ai có thể tưởng tượng nổi.
Ngập ngụa rác thải án ngữ lối cổng phụ Công viên Thanh Xuân. |
Trong chỉ ngoài đường mà ngay trên vỉa hè cũng tràn ngập rác. Thậm chí, hiện nay rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng cùng cành cây khô đã bít kín cổng phụ của công viên. Các loại rác thải này số nhiều đang mục rữa, một số mới được tập kết nằm chỏng chơ án ngữ cánh cổng lớn.
Rác thải đằng sau nhà điều hành công viên. |
Chưa hết, trong khuôn viên gần đó đống rác thải hàng chục bao cũng được tập kết từ bao giờ. Ngay cạnh khu nhà điều hành của Ban quản lý công viên cũng không khó để phát hiện ra những đống rác được tập kết từ rất lâu nhưng không có ai dọn.
Trong khuôn viên công viên 300 tỉ này thành nơi tập kết rác. |
Một cư dân sống tại tòa nhà Hòa Phát, gần Công viên Thanh Xuân bức xúc: “Từ hàng rào công viên hắt ra đường thì không nói làm gì, nhưng từ hàng rào vào trong khuôn viên cũng đầy rác thải. Không biết Ban quản lý công viên làm gì, nghĩ gì và có trách nhiệm gì trong việc vận hành công viên này”.
Trao đổi với PV báo KH&ĐS, một cán bộ Ban quản lý Công viên Thanh Xuân (xin không nêu tên – PV), cho biết: Đúng là có tình trạng nước hồ bốc mùi và rác thải dưới lòng hồ. Còn khu vực cổng phụ nhiều rác thải thì có thể thuộc về trách nhiệm của bên đơn vị cây xanh, vì phần đó chưa bàn giao cho phía công viên.